Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Website trường học bị dẫn đến trang truyện sex

Ngày 3/3, trên một diễn đàn, một tài khoản Facebook đã đăng tải hình ảnh chụp màn hình trang web trường THPT Đồng Lộc ở Can Lộc, Hà Tĩnh bị dẫn đến trang web khác chứa nội dung không lành mạnh.

Trao đổi với PV Dân trí 6/3, ông Nguyễn Huy Tuấn, Phó Hiệu trưởng nhà trường xác nhận, đây đúng là trang web của trường.

“Hiện Hiệu trưởng đã chỉ đạo bộ phận tin học của nhà trường xử lý và khẩn trương tìm nguyên nhân. Theo nhận định cá nhân, có thể do việc quản lý của nhà mạng lỏng lẻo, bị hack... Để đảm bảo không có vấn đề xảy ra tiếp theo, tạm thời nhà trường đóng cửa trang web để xử lý”, ông Tuấn chia sẻ.

Được biết, website này được sử dụng từ năm 2012. Theo ông Tuấn, trước đây sự cố tương tự từng xảy ra một lần.

website THPT Đồng Lộc bị chèn thông tin khiếm nhã
website THPT Đồng Lộc bị chèn thông tin khiếm nhã

Trước đó, tháng 9/2016, tại Trường THCS Ba Đình, Hà Nội, tin tặc xâm nhập hệ thống quản lý sổ liên lạc điện tử của trường và gửi 1.700 tin nhắn với lời lẽ miệt thị tới phụ huynh có con theo học tại đây.

Công an nhanh chóng điều tra và bắt giữ thủ phạm là kỹ sư tin học từng làm việc cho công ty cung cấp dịch vụ sổ liên lạc điện tử cho trường THCS Ba Đình.

Ngay sau khi có sự cố xảy ra, ban giám hiệu Trường THCS Ba Đình đã xin lỗi tới toàn bộ phụ huynh học sinh vì xảy ra sự việc đáng tiếc. Trên fanpage nhà trường, ban giám hiệu cũng cho biết, đây là một vụ hack vào sổ liên lạc điện tử. Nhà trường tuyệt đối không có phát ngôn gây sốc, khiếm nhã, kém tôn trọng như vậy đối với học sinh và phụ huynh của trường.

Chiều 6/3, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Lộc cho biết, website nhà trường do một giáo viên dạy tin học quản lý. Kết quả ban đầu tìm hiểu cho thấy, trang web bị đánh cắp mật khẩu nhưng chưa rõ trong trường hợp nào. Nhà trường đang tích cực phối hợp điều tra tìm hiểu nguyên nhân.

Mỹ Hà

Tag :THPT đồng lộc bị hack, THPT đồng lộc Hà Tĩnh, website THPT đồng lộc

Quy định về tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào khối trường công an năm 2017

Điểm thưởng được các trường CAND cộng cho thí sinh trước khi tổ chức xét tuyển.

Điểm thưởng được các trường CAND cộng cho thí sinh trước khi tổ chức xét tuyển.

Bộ Công an vừa công bố quy định về tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển. Cụ thể như sau:

Đối tượng tuyển thẳng vào đại học CAND:

Thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Toán học được tuyển thẳng vào tất cả các trường CAND.

Thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Vật lý được tuyển thẳng vào các trường CAND (trừ T29, ngành Ngôn ngữ Anh của T31).

Thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Hóa học được tuyển thẳng vào T34.

Thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Tin học được tuyển thẳng vào ngành An Toàn thông tin (T31), ngành Công nghệ Thông tin (T36), ngành Kỹ thuật Điện tử - truyền thông (T36).

Đối tượng được cộng điểm thưởng khi xét tuyển vào các trường CAND như sau:

Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Tiếng Anh khi ĐKXT vào ngành mà ngành đó có môn xét tuyển trùng với môn đoạt giải.

Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Tin học khi xét tuyển vào ngành An Toàn thông tin (T31), ngành Công nghệ thông tin (T36), ngành Kỹ thuật - Điện tử truyền thông (T36).

Mức điểm thưởng như sau: giải Nhất được cộng 2.0 điểm, giải Nhì được cộng 1.5 điểm, giải Ba được cộng 1.0 điểm, giải Khuyến khích được cộng 0.5 điểm.

Thí sinh đoạt nhiều giải chỉ được cộng một điểm thưởng cho một giải cao nhất. Điểm thưởng được các trường CAND cộng cho thí sinh trước khi tổ chức xét tuyển.

Nhật Hồng

Tag :đội tuyển quốc gia, Ngành Công nghệ thông tin, Bộ Công an

Trường ĐH Nông Lâm Bắc Giang xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia và học bạ

Thí sinh tham dự Ngày hội tuyển sinh của trường ĐH Nông Lâm Bắc Giang

Thí sinh tham dự Ngày hội tuyển sinh của trường ĐH Nông Lâm Bắc Giang

Phương thức 1: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Điểm thi THPT quốc gia có tổ hợp các bài thi/môn thi dùng để xét tuyển đạt bằng hoặc trên ngưỡng tối thiểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định để xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2017.

Phương thức 2:Xét tuyển dựa theo kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ)

Xét tuyển thí sinh có kết quả điểm bình quân của điểm trung bình cả năm của 3 lớp (lớp 10, lớp 11 và 12) từ 6,0 trở lên;

Phương thức đăng kí của thí sinh:

Thí sinh có thể nộp hồ sơ theo 03 phương thức:

+ Nộp trực tiếp tại trường.

+ Nộp qua đường bưu điện.

+ Đăng ký xét tuyển trực tuyến tại địa chỉ: http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn/.

Thời gian nội hồ sơ đăng ký xét tuyển:

Đợt 1: từ 01/4/2017 đến 31/7/2017

Đợt 2: từ 01/8/2017 đến 25/10/2017

Chỉ tiêu, mã ngành, tổ hợp môn xét tuyển vào trường ĐH Nông Lâm Bắc Giang năm 2017 như sau:

* Bậc Đại học: 750 chỉ tiêu

STT

Ngành đào tạo

Mã ngành

Mã tổ hợp môn xét tuyển

1

Khoa học cây trồng

52620110

A00; A01; D00; B00

2

Chăn nuôi - thú y

52620105

A00; A01; D00; B00

3

Thú y

52640101

A00; A01; D00; B00

4

Quản lý đất đai

52850103

A00; A01; D00; B00

5

Quản lý Tài nguyên & Môi trường

52850101

A00; A01; D00; B00

6

Công nghệ thực phẩm

52540101

A00; A01; D00; B00

7

Lâm sinh

52620205

A00; A01; D00; B00

8

Công nghệ sinh học

52420201

A00; A01; D00; B00

9

Quản lý Tài nguyên rừng (Kiểm lâm)

52620211

A00; A01; D00; B00

10

Bảo vệ thực vật

52620112

A00; A01; D00; B00

11

Lâm nghiệp đô thị

52620202

A00; A01; D00; B00

12

Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm

52540106

A00; A01; D00; B00

13

Kinh tế

52310101

A00; A01; D00

14

Kế toán

52340301

A00; A01; D00

* Bậc Cao đẳng: 60 chỉ tiêu

STT

Ngành đào tạo

Mã ngành

Điều kiện xét tuyển

1

Dịch vụ Thú y

62640101

Tốt nghiệp THPT

2

Quản lý đất đai

62850103

3

Kế toán

62340301

Nhật Hồng

Tag :kỳ thi THPT quốc gia, ngành đào tạo, đăng ký xét tuyển

Cha mẹ “thúc” con học ngày, luyện đêm ôn thi lớp 10

Chị Lê Thị Minh Thư, có con học lớp 9 ở quận Thủ Đức cho biết, từ đầu năm học con chị đã ôn luyện thi lớp 10 tại một trung tâm văn hóa gần nhà. Ra Tết, nắm tình hình kỳ thi sẽ diễn ra sớm hơn mọi năm, chị lập tức lên lịch tăng tốc ôn thi cho con.

Chị cho con ngưng học gần nhà, ngoài việc học hai buổi ở trường thì theo một trung tâm có tiếng ở quận 1 cách nhà gần chục cây số với lịch tuần ba buổi tối. Ba buổi tối còn lại, chị mướn gia sư Văn và Tiếng Anh về nhà kèm cặp thêm vì con còn yếu hai môn này. Chỉ duy nhất tối thứ 7 cháu được thả lỏng để tự học.

Những ngày con đi học ở trung tâm, chị Thư cũng luyện thi theo con, gác hết mọi việc. Chiều đón con ở trường rồi vòng chở lên chỗ luyện thi, con vào lớp còn chị ngồi ngoài chờ hết giờ để đón con về. Trên đường về hai mẹ con có thể vào quán ăn uống hoặc về nhà ăn vội ăn vàng để cháu còn kịp ngồi vào bàn xem lại bài vở. Từ ngày mẹ con đi ôn, chồng và cậu con trai nhỏ của chị cũng phải tự lo liệu chuyện ăn uống.

“Con tôi mong muốn vào Trường THPT Gia Định, trường có đầu vào cao nên việc ôn thi phải dốc hết toàn lực. Trước đây kết thúc học kỳ hai, các cháu còn có hơn tháng để luyện thi thì giờ chỉ còn khoảng hai tuần nên việc ôn sẽ phải dồn dập hơn”, người mẹ nói.

Cũng thúc con dồn sức học, chị Ng.T. L., phụ huynh Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh lo lắng việc thi sớm, thời gian ôn luyện bị rút ngắn sẽ ảnh hưởng đến việc ôn thi của con. Từ lâu con chị đã học thêm ở trung tâm nhưng giờ chị quyết cho cháu ôn tất cả ba môn dự thi. Lịch học của con kín đặc từ sáng tối, đêm về còn không kịp giải quyết bài tập.

Theo quan điểm của chị L., môi trường ở bậc THPT quyết định rất nhiều đến tương lai của con, thi đại học trượt năm nay thì năm sau thi lại, còn lớp 10 chỉ có một cơ hội duy nhất. Vợ chồng chị không ngừng động viên con phải cố gắng hết sức và còn treo thưởng nếu con thi đỗ sẽ được tặng món quà cháu yêu thích từ lâu mà trước đây bố mẹ chưa đồng ý để con có thêm động lực.

Người mẹ bộc bạch: “Đến nay cháu chưa quyết định sẽ thi vào trường nào nhưng gia đình nhắm vào các trường top trên, thành ra không thể lơ là. Lịch học của cháu kín mít từ sáng đến tối nhưng tôi vẫn cố gắng thu xếp để con tranh thủ có thời gian nghỉ ngơi”.

Ngoài bận tâm chọn trường thi cho con, vợ chồng anh Hoàng Xuân Thành, ở quận 3 lại rất lo lắng về khả năng nắm bắt và và xử lý đề thi của con mình, nhất là gần đây đề thi có rất nhiều đổi mới.

Tìm một chỗ ở lớp 10 công lập, nhất là các trường top trên là một cuộc đua căng thẳng với học sinh ở TPHCM
Tìm một chỗ ở lớp 10 công lập, nhất là các trường top trên là một cuộc đua căng thẳng với học sinh ở TPHCM

Anh Thành nói, con gái anh lực học rất tốt, cẩn thận nhưng cháu quá chăm chỉ, ham sách vở nên rất ít quan tâm đến vấn đề xung quanh cuộc sống. Anh lo đề thi thay đổi nhiều, con học tốt cũng chưa chắc ghi ghi điểm cao nên rất băn khoăn trong việc chọn nguyện vọng. Hiện tại, anh cũng cho con ôn thi ở ngoài trung tâm để cháu thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các dạng đề thi mới.

“Leo cao dễ trượt”, không chỉ học sinh yếu, kém khó "chạy đua" vào lớp 10 công lập mà nhiều học sinh khá giỏi ở TPHCM cũng có thể rớt trong kỳ thi này dù đạt điểm cao. Các năm trước, có những học sinh đạt điểm rất cao nhưng không trúng tuyển cả 3 nguyện vọng vào công lập. Hầu hết các em đều gặp lỗi chọn nguyện vọng quá sức và không chọn cho mình một nguyện vọng mang tính “dự bị”. Theo các giáo viên, nhiều học sinh chịu áp lực rất lớn từ việc chọn trường của phụ huynh, nhiều em rớt cũng vì chọn trường quá sức theo kỳ vọng của bố mẹ.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, không chỉ tư vấn cho học sinh, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cần chú ý tư vấn cho cả phụ huynh học sinh chọn nguyện vọng thi cho con sao cho phù hợp với khả năng và thuận tiện trong việc đi lại học tập. Các em và gia đình nên tìm hiểu kỹ các trường trên địa bàn cư trú và các trường dự định đăng ký nguyện vọng vào học. Ngoài trường công lập, con đường học hành của các em có thể tiếp tục theo học ở các trường tư thục, các trung tâm GDTX hay các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề.

Hoài Nam

Tag :thi lớp 10, luyện thi, lớp 10 công lập, ôn thi lớp 10

Đố bạn làm trắc nghiệm về kiến thức tổng hợp dành cho trẻ con

Các câu hỏi này thuộc nhiều lĩnh vực từ khoa học đến lịch sử, địa lý…

Xuân Vũ

Tổng hợp

Tag :quiz vui, đố vui

Liên thông đại học tại UEF: nắm bắt cơ hội thăng tiến nghề nghiệp

Với thế mạnh đào tạo nhóm ngành kinh doanh và quản lý cũng như tài chính ngân hàng, trường Đại học Kinh tế Tài chính Tp.HCM (UEF) hiện đang thu hút đông đảo thí sinh tham gia hoàn thiện kiến thức thông qua chương trình liên thông chính quy.

Liên thông ngành học dẫn đầu xu hướng nghề nghiệp

Việt Nam đang trên đà hội nhập cùng kinh tế khu vực và thế giới, mở ra nhiều cơ hội việc làm không chỉ trong nước mà còn trong khu vực. Chính vì vậy, việc nhóm ngành kinh doanh, quản lý cũng như các ngành thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy kinh tế phát triển.

Nắm bắt xu thế đó, UEF mở ra cơ hội cho thí sinh có nguyện vọng và nhu cầu hoàn thiện kiến thức chuyên môn cũng như nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, phát triển kỹ năng ngoại ngữ trong học tập và công việc thông qua chương trình tuyển sinh liên thông đại học chính quy.

Chương trình liên thông tại UEF gồm nhiều ngành học dẫn đầu xu hướng hội nhập
Chương trình liên thông tại UEF gồm nhiều ngành học dẫn đầu xu hướng hội nhập

Năm 2017, kỳ tuyển sinh liên thông của UEF với đa dạng ngành học để thí sinh tốt nghiệp Cao đẳng, Cao đẳng nghề lựa chọn gồm các ngành học dẫn đầu xu thế hiện nay như Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Kế toán, Marketing, Kinh doanh quốc tế, Ngôn ngữ Anh và Công nghệ thông tin.

Hoàn thiện kiến thức gắn liền thực tiễn

Thành công của UEF trong những năm qua gắn liền với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội. Sinh viên các hệ, kể cả liên thông được thụ hưởng chất lượng đào tạo cũng như điều kiện học tập tốt nhất.

Với mục tiêu xây dựng và ứng dụng chương trình đào tạo tiên tiến theo chuẩn mực giáo dục đại học Anh, Mỹ vào chương trình đào tạo, UEF chủ trương đưa vào giảng dạy chương trình hoàn thiện kiến thức đại học – liên thông đại học theo hướng phục vụ nhu cầu cho người đi làm. Bên cạnh chương trình đào tạo được cập nhật, sinh viên còn được trải nghiệm phương pháp đào tạo hiện đại, đề cao tính tương tác trong quá trình học.

Sinh viên được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất hiện đại
Sinh viên được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất hiện đại

Sinh viên tham gia chương trình liên thông chính quy tại UEF có cơ hội tiếp cận kiến thức chuyên ngành, sát thực tế, thực hành và xử lý tình huống cụ thể,…dưới sự hướng dẫn của những giảng viên đầu ngành, giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm và luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ sinh viên trong suốt quá trình học tập tại trường. Ngoài ra, trong chương trình đào tạo UEF còn lồng ghép đào tạo tiếng Anh nhằm giúp sinh viên trang bị công cụ nắm bắt những kiến thức đổi mới của kinh tế, tài chính trong khu vực và thế giới. Hoàn thành chương trình liên thông tại UEF, sinh viên tự tin khẳng định giá trị bản thân trên con đường chinh phục nghề nghiệp.

Học liên thông linh hoạt, chi phí hợp lý và hiệu quả

Với mục tiêu tạo điều kiện học tập thuận lợi nhất cho sinh viên liên thông đại học có thể dung hòa tốt giữa học và làm, UEF xây dựng chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ đối với tất cả các ngành trường tuyển sinh cùng mức học phí phù hợp, trung bình 16 triệu đồng/học kỳ (học phí ổn định suốt khóa học).

Theo đó, sinh viên được tự chọn môn học, chủ động sắp xếp kế hoạch học tập riêng của bản thân vào các buổi tối và cuối tuần, tạo tính chủ động trong công việc và đảm bảo tốt nhất hiệu quả học tập.

Chương trình liên thông tại UEF đề cao tính tương tác, giải quyết tình huống
Chương trình liên thông tại UEF đề cao tính tương tác, giải quyết tình huống

Chỉ với thời gian trung bình 3 học kỳ, sinh viên liên thông của UEF có cơ hội nhận bằng cấp Cử nhân chính quy do Bộ GD-ĐT cấp. Có trong tay bằng cấp này, việc tiếp tục vươn lên chinh phục đỉnh cao tri thức ở các trình độ sau đại học tại UEF hay các trường đại học khác sẽ dễ dàng. Đặc biệt, liên thông tại UEF, tốt nghiệp sinh viên còn sở hữu thêm khả năng sử dụng ngoại ngữ và các kỹ năng sống cũng như kỹ năng nghề thiết thực, hữu ích để phục vụ tốt hơn cho công việc, tạo lợi thế cạnh tranh nghề nghiệp cả trong hiện tại và tương lai.

UEF nhận hồ sơ tuyển sinh chương trình liên thông chính quy đợt 1 năm 2017 đến hết ngày 15/05, thời gian thi tuyển vào ngày 27 và 28/05/2017.

Thông tin liên hệ:

Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF)

Số 276 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, TP.HCM

ĐT: (08) 5422 5555. Hotline: 094 998 1717. website: www.uef.edu.vn

Tag :xây dựng chương trình đào tạo, Liên thông đại học, Kinh tế Tài chính, giáo dục đại học, UEF, Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM

Bất ổn trong ứng xử học đường vì thiếu dân chủ

Không chờ đến vụ lùm xùm ở Trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội, vấn đề vi phạm dân chủ ở trường học đã được một số nhà giáo dục, nhà giáo ở TPHCM đề cập tại tọa đàm bàn tròn “Ứng xử học đường nhìn từ phía thầy cô” cách đây khá lâu. Ở đó, họ đã lên tiếng nói về sự thiếu dân chủ trong trường học quyền lực rơi vào một số người dẫn đến tiếng nói phản biện bị “bóp nghẹt”.

Vấn đề được đưa ra trao đổi cụ thể tại buổi tọa đàm là tình trạng bạo lực học đường bắt nguồn từ giáo viên. Việc giáo viên đánh đập, mắng mỏ, chửi bới, xúc phạm học sinh không phải là hiện tượng cá biệt mà diễn ra ở nhiều nơi. Không phải giáo viên nào cũng đồng tình với việc giáo dục bằng đòn roi nhưng vì đâu lại rất ít giáo viên lên tiếng?

Nhiều nhà giáo cắt từng khúc ruột khi học trò bị bạo lực bởi chính thầy cô; họ bức xúc khi đồng nghiệp của mình sử dụng các phương pháp phản sư phạm trong giáo dục cũng như làm ảnh hưởng, bôi đen đến hình ảnh nhà giáo. Tiếng nói của họ dù đứng về lẽ phải nhưng nếu không “lọt tai”, không cùng chí hướng với hiệu trưởng thì sẽ trở thành “kẻ đối đầu” nên không ít người chọn cách im lặng.

Dân chủ trường học bị vi phạm, nhiều nhà giáo không dễ dàng được yên ổn để dốc sức cho nghề (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Dân chủ trường học bị vi phạm, nhiều nhà giáo không dễ dàng được yên ổn để dốc sức cho nghề (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Cô N.T.T.H., giáo viên dạy Văn ở quận 4, TPHCM, được xem là “người một cõi” trong nhà trường cho biết, 20 năm ở trường công lập cô thấy rõ giáo viên bị “điều chỉnh” bởi áp lực thành tích, nhất là đến từ hiệu trưởng và phụ huynh. Giáo viên dùng bạo lực với học trò vì nghĩ làm như vậy các em mới sợ và hơn hết, hiệu trưởng nhiều trường thừa nhận và đồng tình với phương thức này. Nhiều người không đồng tình cũng không lên tiếng phải đối được.

Cô H. nói nhiều giáo viên bị áp lực mà tự ý bỏ việc chứ không chờ bị đuổi. Như trường hợp giáo viên dạy tiếng Anh ở trường cô có những ý kiến trái với hiệu trưởng đã chủ động nghỉ việc.

Một giảng viên ĐH Sư phạm TPHCM cũng bày tỏ, ở phổ thông hiệu trưởng có rất nhiều quyền lực, giáo viên phản đối hiệu trưởng sẽ bị đánh giá cực kỳ tồi tệ. Những giáo viên có tinh thần phản biện, đấu tranh được yên ổn đến giờ là nhờ họ đạt được chuyên môn. Còn những người không đạt thì họ ngại, né tránh việc lên tiếng hoặc chọn cách im lặng.

Từng làm quản lý khối tiểu học của Sở GD-ĐT TPHCM, ông Lê Ngọc Điệp cho rằng, trong hội đồng sư phạm, nếu là một hiện tượng phổ biến, nhiều giáo viên lên tiếng, hiệu trưởng sẽ phải can thiệp. Nhiều giáo viên cùng lên tiếng phản biện thì hiệu trưởng không thể ngồi yên. Ngoài ra, theo ông Điệp, nhà trường có cả bộ máy, từ chi bộ, công đoàn, hội đồng sư phạm nêu nếu giáo viên dũng cảm, có tâm huyết, có phương pháp thì ông tin sẽ đấu tranh được.

Ông Điệp kể, khi chưa về hưu, trường học có vấn đề, ông hỏi hiệu trưởng và giáo viên có đọc, có nắm được điều lệ trường tiểu học không? Lúc đó họ mới lật đật đi tìm vì nó được cất kỹ trong tủ, khóa lại.

“Tôi đã chỉ một vài điều trong đó về quyền giáo viên, quyền của hiệu trưởng. Giáo viên có thể bị thuyên chuyển nếu làm sai. Hiệu trưởng sai luật có thể bị mất chức. Quyền của chúng ta, ta phải biết để hành xử cho đúng kỷ cương”, ông Điệp nói.

Nói về sự “khép kín” của môi trường công lập, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (Hội quán Các Bà Mẹ) cho biết, nhiều hoạt động của Hội quán vì con trẻ, vì giáo dục đi khắp nơi nhưng rất khó “lách” qua cánh cửa trường công lập, thường là đuổi” ở ngay từ vòng gửi xe. Nhiều hoạt động về giáo dục giới tính, đạo đức, tiếng nói dân chủ... rất khó để vào được trường công.

Nhiều năm làm việc về lĩnh vực giáo dục, nhà báo Khánh Bình thẳng thắn, hệ thống các trường công lập rất né tránh báo chí, thầy cô không dám lên tiếng, phát ngôn về những vấn đề, chủ trương trong giáo dục mà mình trực tiếp tham gia. Ngay cả lãnh đạo ngành giáo dục cũng rất khó tiếp cận dù liên hệ để trao đổi, làm việc về các vấn đề dạy và học. Rất khó để thấy sự dân chủ, tôn trọng ý kiến phản biện trong môi trường sư phạm.

Ông Lê Ngọc Điệp cho biết, ông đã từng đề nghị Bộ GD-ĐT phải thay đổi những chuẩn mực trong giáo dục hiện nay. Một học sinh ra trường phải đầy đủ các phẩm chất về tri thức, thể chất, đạo đức, thẩm mỹ nhưng hiện nay các kỳ thi chỉ nhắm đến tri thức, vì thế đào tạo ra những con người lệch lạc. Tốt nghiệp thì thể chất đạt được tới đâu? Đạo đức đạt mức nào? Bộ phải ban hành các chuẩn đó khi tốt nghiệp sau 12 năm đào tạo. Và chính các trường sư phạm cũng phải đào tạo ra những thầy cô, những nhà quản lý có đầy đủ các phẩm chất ấy.

Hoài Nam

Tag :bạo lực học đường, dân chủ trường học, trường công lập, chuẩn mực, đạo đức

241 dự án tranh tài Hội thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Bắc

34 đơn vị dự thi với 241 dự án tranh tài khu vực phía Bắc.

34 đơn vị dự thi với 241 dự án tranh tài khu vực phía Bắc.

Hội thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia là sân chơi thường niên nhằm khuyến khích các em học sinh trung học nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh.

Năm nay, cuộc thi thu hút đông đảo đội ngũ giáo viên, học sinh các trường phổ thông trên khắp cả nước tham gia với 458 dự án ở 22 lĩnh vực, 821 học sinh tham dự, tăng 18 dự án so với năm học trước.

Tại khu vực phía Bắc, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia diễn ra từ 06/3 - 09/3 với 34 đoàn dự thi, đến từ 31 tỉnh, thành từ Thừa Thiên - Huế trở ra và 1 trường THPT trực thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo, 2 trường ĐH có đào tạo hệ phổ thông. Tổng cộng có 241 dự án của 448 học sinh (THPT có 198 dự án với 369 học sinh, THCS có 43 dự án của 79 học sinh) tham gia tranh tài.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa tham quan gian trưng bày của các đội thi.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa tham quan gian trưng bày của các đội thi.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh, tiềm năng sáng tạo của học sinh Việt Nam đã được khẳng định qua kết quả các kì thi Olympic quốc tế hàng năm. Từ năm học 2011 – 2012 đến nay, Bộ duy trì triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, tổ chức Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (VISEF) thu hút hàng ngàn học sinh tham gia.

Qua đó, các em xuất sắc được cử tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) cũng như nhiều hội chợ, triển lãm về sáng tạo khoa học, kỹ thuật quy mô khu vực và thế giới thu được những kết quả khả quan.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa dẫn chứng, liên tục trong 4 cuộc thi Intel ISEF ở Hoa Kỳ vừa qua, học sinh Việt Nam đã khẳng định khả năng nghiên cứu khoa học, kĩ thuật ở tầm quốc tế: Năm 2012 đoạt giải Nhất, năm 2013 đoạt 02 giải Tư, năm 2014 đoạt 02 giải Tư và 01 giải Đặc biệt, năm 2015 đoạt 01 giải Tư và 01 giải Đặc biệt, năm 2016 đoạt 4 giải Ba.

Việt Nam là một trong số dưới 50% các nước có giải hàng năm (trong khi tỉ lệ đạt giải của toàn hội thi hàng năm là 25%). Những thành công bước đầu này mở ra một hướng phát triển mới cho giáo dục phổ thông gắn với phát huy khả năng sáng tạo khoa học, kỹ thuật của các em học sinh.

“Tôi hy vọng rằng, thông qua cuộc thi này, chúng ta sẽ có nhận thức mới về chất lượng giáo dục, mở rộng về không gian, thời gian và hình thức hoạt động dạy học, thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường. Đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học và các cá nhân tham gia vào hoạt động giáo dục của trường phổ thông”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.

Lệ Thu

Tag :phương pháp dạy học, nghiên cứu khoa học, cuộc thi khoa học, học sinh Việt Nam

Tự chủ đại học: Chưa mang lại hiệu quả trong nâng cao chất lượng đào tạo

Tính đến tháng 9/2016, Việt Nam chỉ có 15 trường đại học trên tổng số 436 trường (gồm 219 trường đại học và 217 trường cao đẳng) triển khai thí điểm đổi mới cơ chế tự chủ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tự chủ, nhiều trường đã gặp phải nhiều thách thức, trở ngại khó vượt qua.

Chất lượng chương trình đào tạo đại học tại các cơ sở giáo dục đại học tự chủ còn mang nặng tính lý thuyết

Chất lượng chương trình đào tạo đại học tại các cơ sở giáo dục đại học tự chủ còn mang nặng tính lý thuyết

Tại hội thảo khoa học quốc gia về "Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo đại học trong điều kiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm", PGS.TS Nguyễn Hoàng cho biết, thực tế cho thấy, mặc dù tự chủ là con đường tất yếu tạo sự đột phá trong việc nâng chất lượng giáo dục đại học.

Tuy nhiên, với cách giao quyền tự chủ như Việt Nam hiện nay, việc nâng cao hiệu quả giáo dục đại học lại khá xa vời bởi tự chủ Việt Nam được đánh giá là nửa vời, đi ngược với xu thế thế giới và bị ràng buộc bởi các cơ chế, luật định chồng chéo, khiến các trường đại học vẫn mang tính e dè khi triển khai áp dụng.

Trong bối cảnh Việt Nam chính thức trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới (WTO), tự chủ và chất lượng đào tạo đại học càng được quan tâm hơn nữa, đặc biệt khi Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện GATS trong lĩnh vực giáo dục đã đặt giáo dục đại học trước những thách thức to lớn.

Vậy những thách thức nào đối với chất lượng đào tạo khi các trường đại học tự chủ? PGS.TS Nguyễn Hoàng và Thạc sĩ Ngô Thanh Hà trường ĐH Thương Mại đã thực hiện một nghiên cứu điều tra tập trung vào 2 vấn đề chính là: Thực trạng chất lượng đào tạo đại học trong điều kiện tự chủ hiện nay và những thách thức đối với chất lượng đào tạo đại học khi tự chủ.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát khoảng 150 giảng viên của 9 trường đại học khu vực phía Bắc thực hiện tự chủ là trường: ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Điện lực, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Bách khoa và ĐH Thương Mại.

Theo kết quả nghiên cứu, đánh giá thực trạng chất lượng trong điều kiện tự chủ tại các trường đại học hiện nay nhìn chung chất lượng giáo dục tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đang triển khai cơ chế tự chủ vẫn còn khá nhiều hạn chế.

Các nội dung cấu thành chất lượng giáo dục đại học bao gồm chất lượng giảng viên, chất lượng chương trình đào tạo, chất lượng sinh viên, chất lượng cơ sở vật chất và chất lượng quản lý trường học, quá trình đánh giá và điều chỉnh vẫn chưa thực hiện tốt và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Đặc biệt, chất lượng chương trình đào tạo đại học tại các cơ sở giáo dục này còn mang nặng tính lý thuyết chưa có nhiều thay đổi phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế. Một số chương trình đào tạo tuy mới mẻ nhưng hiệu quả chưa cao do chưa có sự đầu tư triển khai kỹ lưỡng. Điều này dẫn đến chất lượng sinh viên chưa có nhiều thay đổi.

Chính vì hàm lượng kiến thức lý thuyết quá nhiều, trong khi các kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng nghiệp vụ chưa cao là hạn chế không chỉ riêng các trường tự chủ VN mà là hạn chế của toàn bộ hệ thống giáo dục đại học.

Biên chế dẫn đến tình trạng "thoái hóa" chất lượng đội ngũ giảng viên

Để nhìn nhận một cách toàn diện về những thách thực đối với chất lượng đào tạo tại các trường đại học Việt Nam đang triển khai cơ chế tự chủ, nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Hoàng đã đi sâu tìm hiểu đánh giá của 43 giảng viên tại 9 trường đại học đang thực hiện tự chủ trên địa bàn miền Bắc.

Theo kết quả khảo sát điều tra, chất lượng giảng viên là thách thức nhỏ nhất đối với các trường đại học Việt Nam triển khai cơ chế tự chủ. Trong đó, hầu hết các giảng viên tin tưởng vào năng lực chuyên môn (56,73%) và năng lực nghiên cứu là (41,34%) góp phần vào nâng cao chất lượng đào tạo đại học hiện nay.

Tuy nhiên, về năng lực dạy học, các giảng viên tham gia khảo sát điều tra đánh giá chất lượng năng lực dạy học vẫn còn nhiều hạn chế. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của các cơ sở giáo dục hiện nay vẫn chưa có khả năng toàn diện để thực hiện hoàn toàn quyền tự chủ.

Bên cạnh đó, tình trạng "cha truyền con nối" vẫn còn khá phổ biến ở các trường đại học hiện nay.

Hệ thống giáo dục đại học VN hiện nay vẫn chưa khắt khe và mạnh tay trong việc loại bỏ những giảng viên không đáp ứng đủ tiêu chuẩn chất lượng, giảng viên đã vào biên chế Nhà nước sẽ được làm việc cho đến lúc về hưu. Điều này vô tình gây ra tình trạng "thoái hóa" chất lượng đội ngũ giảng viên đại học.

"Trong bối cảnh các trường đại học đang dần triển khai tự chủ, nếu vẫn duy trì tình trạng này chất lượng giáo dục đào tạo chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến tiêu cực" - PGS.TS Nguyễn Hoàng nhận định.

Về chất lượng chương trình đào tạo, theo kết quả khảo sát đánh giá cao chất lượng chương trình đào tạo hiện nay tại các trường đại học VN vì họ cho rằng, chất lượng chương trình đào tạo không phải là thách thức quá lớn đối với cơ sở giáo dục đại học.

Đối với chất lượng sinh viên, có đến 34,61% giảng viên cho rằng nguồn sinh viên đầu vào sẽ là thách thức lớn đối với đối với cơ sở đào tạo của họ bởi những sinh viên này không đủ năng lực và nhận thức để tiếp thu kiến thức trong chương trình đào tạo của nhà trường. Bên cạnh đó, có tới 37,5% những người tham gia khảo sát tin rằng chất lượng sinh viên đầu ra sẽ là một thách thức lớn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của cơ sở.

Theo kết quả khảo sát điều tra, hạn chế lớn nhất của các trường đang triển khai cơ chế tự chủ là cơ sở vật chất như giảng đường, trang thiết bị, phòng thí nghiệm... đây là thách thức lớn đối với các trường.

Đặc biệt, có tới 55,77% ý kiến khảo sát cho rằng, hoạt động quản lý trường học là thách thức lớn nhất mà các trường phải đối mặt.

Nhiều lực cản khi các trường thực hiện tự chủ

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra 5 nguyên nhân của các thách thức đối với chất lượng đào tạo mà các trường đại học thực hiện tự chủ phải đối mặt:

Thứ nhất, các nhà đưa ra chính sách, Ban lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học và cộng đồng dân cư chưa nhìn nhận một cách thấu đáo về tự chủ. Đa phần nhìn nhận tự chủ ở góc độ tài chính nên công tác triển khai và áp dụng tự chủ vẫn còn dè dặt và hạn chết. Các cơ sở đào tạo ngại mạnh tay trong các quyết định dẫn đến tình trạng chất lượng đào tạo không mấy cải thiện hoặc chính sách đưa ra theo hướng tự chủ không mang lại hiệu quả cao.

Thứ hai, tâm thế bị động của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay cũng là nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng đào tạo còn hạn chế. Các trường từ trước tới nay luôn được bao bọc bởi Nhà nước, các khoản đầu tư được tài trợ bởi cơ chế xin - cho vì vậy nhiều trường không muốn thoát ra khỏi vòng bảo vệ của Nhà nước, e ngại các hoạt động tự thu hút đầu tư, tự tổ chức công tác tuyển sinh hay tự hạch toán thu chi...

Thứ ba, chất lượng nguồn nhân lực Việt nam nhìn chung vẫn còn hạn chế. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực ngay từ công tác xác lập và triển khai cơ chế tự chủ. Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá cơ chế tự chủ tại Việt Nam chỉ mang tính nửa vời, đi ngược với xu thế thế giới và không mang lại hiệu quả cao trong việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học.

Thứ tư, môi trường đào tạo tại VN tồn tại quá nhiều hạn chế ở mọi khía cạnh khiến công tác triển khai cơ chế tự chủ dù có được thực hiện tốt cũng chưa thể mang lại hiệu quả cao. Tình trạng sinh viên còn thụ động trong quá trình học tập và ứng dụng kiến thức vào thực tế còn hạn chế, điều này khiến cho chất lượng đào tạo, đặc biệt là chất lượng sinh viên đi xuống.

Thứ năm, môi trường pháp lý tại VN về tự chủ giáo dục đại học vẫn tồn tại nhiều hạn chế, các quy định chồng chéo ảnh hưởng đến quá trình triển khai cơ chế tự chủ. Trong Luật giáo dục VN 2005 và Luật Giáo dục đại học 2012 đều nhấn mạnh tính tự chủ giáo dục đại học nhưng một số quy định lại vô tình tạo lực cản cho quá trình triển khai trên thực tế.

Nhật Hồng

Tag :chất lượng đào tạo, giáo dục đại học, chương trình đào tạo, đào tạo đại học, Cơ sở giáo dục đại học, Chất lượng giáo dục

Phải “vượt sướng” mới có thể ham đọc sách

Sống ở thời đại công nghệ, ai cũng thích sở hữu Iphone, Ipad để lướt web, đăng đàn Facebook kết nối bạn bè ở khắp nơi. Giới văn phòng có không nhiều người ham đọc sách thì họ cũng nhanh nhạy khi kết nối Ebook sách điện tử để đọc lướt trên điện thoại những khi rảnh rỗi. Đọc trên Ebook quá tiện lợi khi kho sách hiện ra với cả ngàn đầu sách ở tất cả các lĩnh vực, bạn trẻ có thể cùng lúc làm mấy việc: vừa đọc sách vừa nghe nhạc, trả lời tin nhắn, chát với bạn bè rồi lại ngó nghiêng vào đọc thứ này, thứ kia như một cách chứng tỏ mình là công dân số hiện đại.

Tôi cũng không khác các bạn là mấy vì tôi thấy mình cũng nghiện lướt web, nghiện facebook hẳn mấy năm liền, thậm chí phải cố gắng vận động bản thân bỏ dần thói quen ngồi lỳ bên máy tính để có thể chú tâm đọc cuốn sách nhỏ mới mua. Vì thế tôi hay đùa mọi người là phải “vượt sướng” thì mới có thể ham đọc sách.

Bạn trẻ ngày nay luôn trong tình trạng sống gấp, sống ảo và ngày càng rời xa thói quen đọc sách. Họ có thể miệt mài lướt facebook tối ngày, quên ăn quên ngủ để cày game nhưng bảo dành ra 30 phút/ngày để đọc sách thì khó quá. Trên mạng, bạn trẻ thỏa mãn thói quen nghe nhìn ngắm, tương tác với bạn bè nên họ cảm thấy mạng có sức hấp dẫn khó cưỡng. Thời buổi này ai còn ôm sách, ôm báo đọc họa chăng đó chỉ là những cô bác hưu trí giữ lại thói quen đọc sách bảo xửa xưa. Đọc sách có chăng là vì bố mẹ sốt sắng trước việc con sớm cận thị khi dán mắt vào điện thoại, ti vi nên bày ra cách đọc sách cho con nghe. Mà mẹ đọc sách cho con có khi lại thấp thỏm không yên vì bạn bè nhắn tin chiu chíu vào Facebook, Zalo ấy chứ. Đọc sách thời nay khó quá!

Để không bỏ thói quen đẹp đọc sách báo mỗi ngày, tôi phải hạ quyết tâm giành giật từ 30 phút đến 1 giờ ngồi tĩnh tâm đọc sách. Lúc đó, máy tính cá nhân tôi cho vào ngăn tủ khóa lại để lòng khỏi vấn vương khi nhớ tới sự kiện nào đó đang rùm beng trên mạng, tôi đang tò mò lắm, đang chờ cái kết có hậu cho chuyện tình nghệ sĩ, rồi tán phét với bạn bè nữa chứ. Điện thoại thì bao lâu nay vẫn cứ chung thủy với cái Nokia cũ mèm chỉ có chức năng nghe - gọi - nhắn tin. Ai cũng ngạc nhiên lắm vì kẻ lắm lời trên facebook là tôi lại có thể ung dung xài cái điện thoại lạc hậu này. Có gì đâu, chẳng qua vì còn đó tình yêu với những trang sách thẫm đẫm yêu thương dung dị, muốn giữ cho mình tâm trạng háo hức đón đợi tờ báo giấy mình yêu thích, giữ vẹn nguyên tâm trạng mong ngóng anh bưu điện tới nhà ới tôi ra nhận báo mới.

Tôi cũng quyết liệt trong cuộc chiến giữ con mình với sách. Buổi tối, chừng 20 phút đọc cổ tích, toàn truyện tranh đầy màu sắc cho con gái bé nghe. Con trai lớn học lớp 4, tôi cổ vũ con bằng cách hứa hẹn nếu con cố gắng học tốt thì hàng tuần, hàng tháng mẹ tặng cho con 15.000 đồng để con tự tới hiệu sách mua 1 cuốn Đô rê mon. Bộ truyện tranh của con trai chất đầy một góc trên giá sách chung của cả nhà. Tôi mua thêm Dế mèn phiêu lưu ký, cuốn giải đáp về động vật cho con dù con trai tỏ ra thờ ơ. Tôi đọc vài trang, kể lại cho con nghe là sách này hay lắm, ngày xưa bố mẹ nằm mơ cũng không có mà đọc, con hay hỏi mẹ sao con muỗi bay vo ve, sao con khỉ hay nhảy nhót thì toàn bộ lời giải đáp đều có trong cuốn sách này. Nói thật là tôi phải bày kế ép con đọc như việc thỏa thuận con đọc được 5 trang sách thì mẹ cho đi chơi với bạn. Để bọn trẻ con thích đọc sách, tôi phải áp dụng nhiều chiến thuật dụ dỗ, ép buộc để hình thành thói quen đọc cho con. Thế rồi "mưa dầm thấm lâu", con trai không cần mẹ nhắc nhở cũng biết ngồi miệt mài đọc sách, đọc truyện. Chắc con cũng ảnh hưởng không nhỏ từ mẹ khi thấy mẹ hay ao ước được rảnh rang ngồi bên cuốn sách mẹ yêu thích mà mẹ bận việc quá đây, đi chợ nấu cơm, kèm con học, đọc sách cho em.

Yêu sách khiến người lớn, trẻ con sống thuần hậu, nhân ái hơn trong đời sống ngày một xô bồ này. Bên trang sách, mỗi chúng ta đều có giá trị ngang nhau vì sách không phân biệt ai giàu, ai nghèo. Chỉ cần bạn bớt đi 1 giờ lướt Phây chém gió mà dành cho sách hẳn bạn sẽ thấy mình thu lượm được biết bao kiến thức hữu ích hay ít nhất bạn thấy ấm lòng vì những trang sách đang gieo những hạt giống yêu thương, nhân hậu và tử tế trong trái tim dường như đang khô cằn vì cứ mở Phây ra là thấy nhan nhản link chia sẻ bạo lực, đấm đá, bất công trong xã hội.

Bạn trẻ ơi, tôi cũng sính công nghệ như tất cả các bạn, nhưng tôi cố gắng cân bằng và chia nhỏ thời gian để sử dụng một cách có giá trị nhất và hẳn nhiên 1 giờ đọc sách báo đối với tôi thật quý giá chừng nào. Đó là khi việc nhà, việc cơ quan đã hoàn tất, tôi có thể đắm mình vào trang sách mà ước ao, mà hi vọng về những điều tốt đẹp giản dị xung quanh. Chúng ta đang quá ôm đồm trước tiện ích công nghệ, tham lam muốn cùng lúc làm nhiều thứ nhưng bạn cũng như tôi đều biết rõ lướt mạng cả giờ chưa chắc đã nhớ mình đọc được điều gì hay, liệu có thuộc nổi vài câu hát trữ tình, vài lời thơ say đắm. Nhưng bạn sẽ thấy mình được trang trải, được góp nhặt lời hay ý đẹp từ cuốn sách trên tay, bạn sẽ nhớ mãi một câu chuyện dù ngắn, dù dài để thấu hiểu cuộc đời rộng lớn, mênh mang này hoặc chỉ đơn giản giúp bạn hiểu rõ về thói quen, tập tục, nếp văn hóa của nơi nào đó ta thường mong đặt chân tới.

Bạn hãy thử “vượt sướng” như tôi, vì âm thầm đọc sách mỗi ngày sẽ giúp chúng ta tích lũy được vô vàn kiến thức nên nhiều năm nay tôi vẫn có thú vui tìm đến các hiệu sách lớn quanh Hồ Gươm hay đơn giản là thường xuyên lui tới hiệu sách nhỏ cạnh nhà mà tìm sách như tìm bạn tri kỷ.

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Tag :thích đọc sách, văn hóa đọc, thói quen đọc sách