Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Trẻ không chỉ cần kiến thức, các em cần được sống

Nhà giáo Kiran Bir Sethi đã có buổi trao đổi thú vị liên quan đến giáo dục con trẻ với hàng trăm phụ huynh, giáo viên về chủ đề “Để trẻ thơ cất lên tiếng nói của chính mình” diễn ra mới đây tại TPHCM.

Bà Kiran Bir Sethi kể về chính trường hợp của mình. Bà luôn muốn mang điều tốt đẹp nhất đến cho con nên bà tưởng tượng khi đến trường, khi học tập cùng với giáo viên... con sẽ được đón nhận điều này. Bà tưởng tượng về những điều hay ho đến với con khi ở trường. Và sau 3 tháng con đi học, bà đến gặp cô giáo của con để biết con mình chơi với những bạn nào, các con làm gì ở trường, liên kết với thầy cô như thế nào.

Nhà giáo dục Kiran Bir Sethi trao đổi về vấn đề của con trẻ với phụ huynh, giáo viên ở TPHCM
Nhà giáo dục Kiran Bir Sethi trao đổi về vấn đề của con trẻ với phụ huynh, giáo viên ở TPHCM

“Cô giáo nhìn tôi và hỏi: “Mã số học sinh của con tôi là gì?”. Tôi vô cùng sửng sốt, thì ra không có những câu chuyện nào ở đằng sau đó cả. Con tôi chẳng có gì đáng nhớ ngoài một con số khô khan. Và tôi quyết định cho con tôi nghỉ học”, bà Kiran nói.

Một trong những nhà giáo dục hàng đầu thế giới cho hay, chúng ta không trung thực với con trẻ và cản trở năng lực của các em. Từ bé, người lớn hay nói với trẻ rằng các con có thể nói, có thể bò, có thể chạy nhảy, vui chơi... Nhưng khi các em đến trường, người lớn lại nói chúng phải ngồi xuống, im lặng và học.

“Rất nhiều người đứng trước lựa chọn, dạy con kiến thức hay mỉm cười với con? Mọi người nghĩ rằng mình phải lựa chọn chứ không tin có thể làm được hai cái này”, bà Kiran Bir Sethi chia sẻ và cho rằng mô hình giáo dục kiểu “hoặc cái này hoặc cái kia” giữa một bên là đánh đồng tất cả, nội dung nặng nề, áp lực thi cử và một bên là chương trình cảm xúc xã hội giúp con tự tin là bối cảnh hiện tại.

Nhà giáo dục này nhấn mạnh, các em không chỉ cần kiến thức mà các em cần sống, biết làm điều hay. Phải để trẻ hiểu rằng không thể thay đổi cuộc đời của bất kỳ ai nếu các con không thể tự thay đổi cuộc đời của chính mình. Các con muốn cuộc đời trở nên tử tế thì phải học cách sống tử tế với cuộc đời trước.

“Vậy nhưng chúng ta nói với con rằng điểm số tương ứng với thành công khi con 18”, bà Kiran Bir Sethi cảnh báo về sự chệch hướng trong giáo dục con trẻ đang diễn ra ở nhiều nơi.

Bà Kiran Bir Sethi - một trong những nhà giáo dục hàng đầu thế giới cho rằng chúng ta cần mỉm cười với con trẻ nhiều hơn

Bà Kiran Bir Sethi - một trong những nhà giáo dục hàng đầu thế giới cho rằng chúng ta cần mỉm cười với con trẻ nhiều hơn

Áp lực của điểm số đang “bóp méo” cuộc sống lẽ ra cần bình thường của con trẻ cũng được các nhà giáo dục chia sẻ tại buổi nói chuyện. Ông Giản Tư Trung nói lên cảm giác dường như các em bây giờ học, học, học, cuối tuần được nghỉ chút mới... tranh thủ sống, trong khi việc học lẽ ra phải là một phần của lẽ sống. Mà theo ông, chúng ta chưa xác định được mục đích: học để làm gì?

Theo ông Trung, mỗi môn học đều tác động, góp phần hình thành tính cách, tư duy của trẻ như Toán không chỉ là chuyện giải những con số mà giúp các em đối diện với các vấn đề trong cuộc sống, tìm ra cách giải quyết tối ưu nhất. Học Văn không phải chuyện văn hay chữ tốt mà là để các em biết đồng cảm với con người, biết sống... Nhưng chúng ta lại quá quan tâm đến điểm số,

Còn nhà báo Thu Hà - tác giả cuốn sách dạy con nối tiếng “Con nghĩ đi, mẹ không biết” chia sẻ mỗi đứa trẻ đều là một siêu năng lực, cần được kích hoạt vào những điều tốt đẹp . Bà Hà cũng bày tỏ thực trạng bố mẹ, thầy cô đang quá lo lắng về điểm số của con mà quên mất các con cần không gian và cả sự tôn trọng để phát triển về nhân cách, cảm xúc - những yếu tố quyết định đến cuộc đời của các em chứ không phải là kiến thức.

Lời khuyên chung của các nhà giáo dục dành cho phụ huynh, giáo viên là hãy bớt lo lắng về điểm số của trẻ nhỏ. Thay vào đó hãy tạo ra môi trường tự do, được tôn trọng để trẻ tự tin bày tỏ tiếng nói, quan điểm, tâm tư của mình, từ đó sẽ phát triển năng lực vượt trên cả mọi con số.

Nhà giáo Kiran Bir Sethi được Global Teacher Prize bình chọn là một trong mười nhà giáo hàng đầu thế giới. Bà cũng là người sáng lập Design for Change - phong trào lớn nhất thế giới về trẻ em góp sáng kiến thay đổi cộng đồng.

Công thức dành cho trẻ em cùa bà Kiran gồm:

- Cảm nhận: truyền cho trẻ em sự đồng cảm, để các em hiểu được rằng các em là một phần của cộng đồng.

- Sự tưởng tượng: trẻ phải hiểu được rằng mình có khả năng giải quyết được những vấn đề đặt ra trong cuộc sống, mạnh dạn để nhận lấy trách nhiệm về mình chứ không phải chỉ ngồi đó mà than thở.

- Hành động: trẻ hành động vì trẻ thực sự muốn làm chứ không phải là do ai bắt ép.

- Sự chia sẻ: trẻ phải biết chia sẻ với mọi người xung quanh mình.

Hoài Nam

Tag :giáo dục, điểm số, kiến thức, điều tử tế, niềm vui, cuộc đời

Thầy giáo dạy học ở nơi cao nhất của thế giới

Thầy giáo Ciren và các học trò

Thầy giáo Ciren và các học trò

Điều kiện địa lý và thời tiết khắc nghiệt tạo ra các chứng bệnh như thiếu oxy, da bị mẩn đỏ, viêm khớp. Không có gì đáng ngạc nhiên nếu như ở vùng điều kiện sống kinh khủng như vậy không có trường học. Nhưng thầy giáo Qimei Ciren, 37 tuổi là người đã sinh sống và dạy học ở đây hơn 5 năm. Thầy là một minh chứng cho lòng dũng cảm và yêu nghề giao viên thực thụ.

Thầy Ciren từng tốt nghiệp đại học và có cơ hội làm việc như một nhà báo sau khi tốt nghiệp, nhưng thầy đã chọn thực hiện ước mơ trở thành một giáo viên; bằng cách nộp đơn cho vị trí này và trở thành một giáo viên đứng lớp như anh từng mong muốn.

Thầy giáo Ciren: “Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, tôi từng nhiều lần có ý định bỏ học. Nhưng thầy giáo đã liên tục khích lệ để tôi tiếp tục con đường học tập. Chính người thầy đó đã truyền cảm hứng cho ước mơ trở thành giáo viên của tôi”.

Thầy giáo Ciren dạy học sinh của mình

Thầy giáo Ciren dạy học sinh của mình

Thầy Ciren tâm sự, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là thiếu giáo viên dạy học. Hầu hết học sinh của tôi đều ở luôn tại trường. Khối lượng bài giảng rất lớn, trong khi kết quả học tập không rõ ràng. Môi trường thiếu oxy, làm cho chúng tôi dễ bị phân tâm ảnh hướng tới dạy học. Một số giáo viên không tốt nghiệp các ngành sư phạm chính quy và có ít cơ hội được đào tạo chuyên sâu nên tạo ra nhiều hạn chế, mặc dù cơ quan giáo dục vẫn cho chúng tôi một chỉ tiêu đào tạo mỗi năm.

“Một số phụ huynh tới thăm con chỉ một lần trong mỗi học kỳ, bởi vì họ sống ở những khu chăn thả trên cao nguyên. Giáo viên luôn phải giặt quần áo, dọn dẹp ký túc xá gọn gàng và gấp quần áo, chăn màn cho học sinh” – thầy giáo Ciren chia sẻ.

Ở nơi này, có tới 10 tháng mùa đông và chỉ có 2 tháng mùa hè – thời điểm hè có khi vẫn có tuyết rơi. Công việc thường ngày của thầy giáo Ciren, thức dậy lúc 7.30 sáng vào mùa hè và 9 giờ sáng vào mùa đông, bởi vì nó quá lạnh. Thầy đánh thức học sinh dậy và không quên chúc các em học sinh buổi sáng tốt lành. Và 9 giờ tối, thầy sẽ kiểm tra cẩn thận kí túc xá cuả học sinh, giục học sinh của mình đi ngủ đúng giờ .

Ngôi trường đặc biệt của thầy trò Ciren có một nhà kính được chính phủ tài trợ năm ngoái. Vào mùa hè, thầy cũng học sinh trồng tới 7-8 loại rau để ăn. Vào mùa đông, họ thu hoạch từ 3-4 loại, tất cả đủ cũng cấp thêm dinh dưỡng và thực phẩm xanh cho cuộc sống của thầy và trò. Điều này cũng là bài học giúp học sinh hiểu về thành quả lao động.

Vườn trồng rau tự cung tự cấp của trường

Vườn trồng rau tự cung tự cấp của trường

Bên cạnh đó, họ có một phòng đọc sách được một nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng nên. “Đây là nơi giúp học trò của chúng tôi mở rộng tầm nhìn”. Phòng đọc sách mở cửa 2 ngày mỗi tuần.

Ngoài ra, thầy trò Ciren có các hoạt động ngoại khóa khác như học thư pháp, vẽ tranh và bóng đá để nuôi dưỡng thể lực và học cách tìm hiểu văn hóa truyền thống mở rộng vốn kiến thức cho các em.

“Đôi khi, tôi đã từng nghĩ đến việc rời bỏ nơi đây, vì cứ đến cuối tháng 12 có tuyết rơi và bão lớn là tôi nhớ gia đình và muốn từ bỏ tất cả, những lúc khắc nghiệt như vậy rất dễ khiến con người ta nản lòng.

Tôi có viết một số chia sẻ đăng trên WeChat như thế này vào năm 2012: “Gió mùa xuân chưa bao giờ thổi qua nơi đây. Học trò của tôi chưa bao giờ nhìn thấy hoa đào nở. Những mùa đông băng giá kéo dài và một mùa hè nóng nực đôi khi là thứ mà chúng tôi mong đợi. Bọn trẻ ở đây là niềm hi vọng của tôi”.

“Tôi ở lại vì tôi nhìn thấy nhiều giáo viên bỏ đi và những giáo viên ở lại thì có quá nhiều việc phải làm. Nếu tôi ra đi, liệu ngôi trường có giữ lại được những giáo viên khác cũng yêu thương chúng giống như tôi không? Tôi ở lại vì tôi lo lắng về điều này”.

Thầy Ciren cũng cho biết, do một số yếu tố khó khăm đi lại và vật chất, các nhà chức trách đã có kế hoạch sẽ hợp nhất ngôi trường với một trường tiểu học ở quận Nagarze vào năm nay.

“Do giới hạn về nhân lực và môi trường học tập ở đây, đó sẽ là mối đe dọa cho sự phát triển thể chất và trí thông minh của trẻ, cũng như sức khỏe của giáo viên, vì thế, chủ trương chuyển trường xuống một độ cao thấp hơn là việc cần thiết” – thầy Ciren nói.

Hà Cường (theo South China Morning Post)

Tag :trường tiểu học, thời tiết khắc nghiệt, dạy học nơi cao nhất thế giới, Tây Tạng

Chưa đến 10% tạp chí khoa học của Việt Nam được xuất bản bằng tiếng Anh

Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước (HĐ CDGS NN) đã cùng với các Hội đồng chức danh giáo sư ngành/ liên ngành tiến hành rà soát danh mục các tạp chí khoa học được tính điểm năm 2017.

Theo đó, trong 387 tạp chí khoa học năm nay được đưa vào danh mục tạp chí được tính điểm công trình khoa học quy đổi của HĐ CDGS NN, mới chỉ có 32 tạp chí bằng tiếng Anh, một tỷ lệ rất thấp.

Đến nay, chỉ có 3 tạp chí của Việt Nam có tên trong danh mục Scopus: Tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology (ANSN) của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện này cũng đã từng có trong hệ thống SCIE), Acta Mathematica Vietnamica của Viện Toán học - thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ VN, và Vietnam Journal of Mathematics của Hội Toán học Việt Nam.

Từ năm 2016, đã có 2 tạp chí khoa học Kinh tế của Việt Nam có tên trong danh mục ACI: Journal of Economics and Development của trường ĐH Kinh tế quốc dân và Journal of Economic Development của trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

Theo quy định trên thế giới, số lượng và chất lượng các công bố quốc tế của giảng viên và uy tín của tạp chí khoa học của trường đại học cũng là các tiêu chí cơ bản để xếp hạng hàng năm của trường đại học.

Để nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học trong danh mục các tạp chí được tính điểm công trình khoa học quy đổi, Hội đồng chức danh GS Nhà nước lưu ý cần ghi rõ mã số chuẩn quốc tế ISSN và định dạng thông tin các bài báo khoa học trong tạp chí như quy định.

Các cơ sở giáo dục đại học nên chủ động chọn lọc, mời thêm các nhà khoa học Việt Nam có uy tín, cùng ngành, chuyên ngành trong nước, ngoài nước và các nhà khoa học nước ngoài tham gia ban biên tập, phản biện và viết bài.

Theo HĐ CDGS NN, hiện nay mới có chưa đến 10% tổng số tạp chí khoa học của Việt Nam được xuất bản bằng tiếng Anh, một tỷ lệ rất nhỏ so với các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Cho đến nay, các tạp chí này chủ yếu thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ; trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn còn ít.

HĐ CDGS NN cũng yêu cầu các BBT tạp chí khoa học cần khẩn trương công bố online cả tiếng Việt và tiếng Anh để tăng cường hội nhập quốc tế.

Nhật Hồng

Tag :Tạp chí Khoa học, công trình khoa học, scopus, công bố quốc tế

Giáo viên hợp đồng có nguy cơ mất việc: Đang tổ chức phúc khảo

Ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh Văn phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi rà soát hết lại, theo quy định về thi tuyển viên chức công chức trước hết là xét đặc cách, đối với các giáo viên có thời gian công tác và đóng BHXH liên tục trên 36 tháng thì được xét đặt cách theo quy định. Đợt 1, những trường hợp nào đủ điều kiện thì xét.

Các giáo viên tại buổi tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh ngày 22/5 vừa qua
Các giáo viên tại buổi tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh ngày 22/5 vừa qua

Theo ông Quang, trong vấn đề này, ngành giáo dục cũng đã có báo cáo đây là những giáo viên đã có thời gian công tác lâu năm, có năng lực do đó đề nghị xét đặt cách.

Việc xét này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật, còn lại đối với những trường hợp không đủ điều kiện xét đặt cách như có những trường hợp hợp đồng trên 36 tháng, thậm chí có những trường hợp 4-5 năm nhưng đây là những trường hợp giảng dạy theo tiết, có trường thiếu giáo viên mới hợp đồng và không đóng BHXH.

Tổng số lượng giáo viên hợp đồng này, sau khi rà soát toàn tỉnh Quảng Nam có 110 trường hợp trên 36 tháng. Những trường hợp này nếu như trước đây ngành giáo dục tuyển hợp đồng có đóng BHXH thì mặc nhiên sẽ xét đặt cách được vì đủ điều kiện.

Trong quá trình xem xét, ông Quang cho biết, lãnh đạo tỉnh cũng nhận thấy đây là lực lượng có tham gia giảng dạy, có đóng góp cho ngành giáo dục nên báo cáo Ban thường vụ Tỉnh ủy xem xét thi tuyển cạnh tranh 110 chỉ tiêu này cho ngành giáo dục, ưu tiên cho những giáo viên hợp đồng theo tiết. Việc này vẫn đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Quang cho biết, sau khi tổ chức thi tuyển chỉ có 101 giáo viên tham gia, còn 9 giáo viên không thi. Có 7/101 giáo viên này trúng tuyển đợt 1, còn lại 94 giáo viên.

Trong 94 giáo viên này chỉ có 12 giáo viên là tốt nghiệp các trường vào thi, còn lại 82 trường hợp là những giáo viên cũng đang hợp đồng có thời hạn 1-2 năm ở các trường, Việc này, theo ông Quang lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng rất trăn trở.

Ông Quang cũng thông tin, hiện nay ban chỉ đạo cuộc thi đang tiến hành tổ chức phúc khảo.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Khánh Toàn thông tin thêm, đối với 110 giáo viên này đều là giáo viên thỉnh giảng ở các trường phổ thông. Các giáo viên này đã tham xét tuyển cạnh tranh bao gồm những giáo viên đủ điều kiện thi tuyển và 110 giáo viên đang hợp đồng.

Ông Toàn cũng cho hay, hiện công tác phúc khảo đang được ban chỉ đạo cuộc thi tiến hành. Theo ông Toàn, việc tổ chức phúc khảo được tổ chức rất nghiêm ngặt, đóng cửa 24/24, thu hết điện thoại, có camera giám sát từ trên xuống dưới. Để làm việc này, ông Toàn cho biết tỉnh thuê một đơn vị chuyên nghiệp của Bộ Nội vụ vào phúc khảo. Tỉnh làm hết sức công khai, minh bạch.

Công Bính

Tag :nguy cơ mất việc, giáo viên hợp đồng, tỉnh Quảng Nam

Gắn kết đại học và doanh nghiệp để thúc đẩy nhiều công trình nghiên cứu khoa học ra đời

Ngày 11/4/2016, Bộ GD&ĐT đã có Thông tư số 11/2016/TT-BGDĐT ban hành Quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ. Quy định bao gồm các nội dung: xác định, tuyển chọn, thẩm định, tổ chức triển khai và kiểm tra tình hình thực hiện, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài cấp bộ.

Yêu cầu đối với đề tài khoa học cấp bộ phải có tầm quan trọng đối với sự phát triển của ngành giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ phục vụ phát triển giáo dục, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao trình độ cho giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý và kết hợp đào tạo, nghiên cứu khoa học với chuyển giao công nghệ.

Đề tài cấp bộ được giao trực tiếp cho các tổ chức chủ trì đề tài là các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu khoa học và các tổ chức khoa học và công nghệ. Vụ Khoa học, Công nghệ và Mội trường, Bộ GD&ĐT phối hợp với các tổ chức chủ trì quản lý toàn diện đề tài cấp bộ được giao.

Trên thực tế, trước sự bùng nổ tri thức, công nghệ sản xuất mới và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi các nội dung trong giáo dục đào tạo, đòi hỏi mọi quốc gia phải đổi mới để không bị tụt hậu. Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, khoa học, công nghệ có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.

Bộ GD&ĐT ký kết với Tập đoàn Bảo Sơn. Năm 2017, Giải thưởng Bảo Sơn sẽ dành cho công dân Việt Nam có các công trình nghiên cứu, ứng dụng có kết quả, có đóng góp nổi bật và ảnh hưởng tích cực. Mỗi lĩnh vực được trao tặng sẽ có một giải Nhất trị giá tương đương 50.000 đô la Mỹ và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT ký kết với Tập đoàn Bảo Sơn. Năm 2017, Giải thưởng Bảo Sơn sẽ dành cho công dân Việt Nam có các công trình nghiên cứu, ứng dụng có kết quả, có đóng góp nổi bật và ảnh hưởng tích cực. Mỗi lĩnh vực được trao tặng sẽ có một giải Nhất trị giá tương đương 50.000 đô la Mỹ và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Tạo động lực lớn cho người làm khoa học

Cụ thể hóa chủ trương này, những năm qua ngành giáo dục và đào tạo đã phát động nhiều cuộc thi, phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân. Chủ trương lớn của lĩnh vực khoa học công nghệ và các cơ sở giáo dục đại học là đẩy mạnh gắn kết giữa đại học và doanh nghiệp, tạo sự dịch chuyển từ nghiên cứu trong đại học đi vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, tăng cường ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đời sống. Việc gắn kết đại học và doanh nghiệp như Tập đoàn Bảo Sơn đã thúc đẩy nhiều công trình khoa học ra đời.

Đáng kể nhất, việc Tập đoàn thành lập Giải thưởng Bảo Sơn với mức thưởng rất lớn nhằm tôn vinh, khích lệ các nhà khoa học, các cá nhân có công trình nghiên cứu có giá trị, có sản phẩm khoa học kỹ thuật và các hoạt động xã hội, giáo dục và văn học, nghệ thuật được áp dụng trong thực tiễn, đóng góp tích cực cho xã hội, cộng đồng và con người Việt Nam. Điều này đã và đang tạo động lực rất lớn với những người làm khoa học.

Giải thưởng Bảo Sơn là một trong các giải thưởng lớn như một sự ghi nhận và tôn vinh của xã hội đối với các kết quả nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, đổi mới, cải cách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các tác phẩm văn học có giá trị. Từ giải thưởng này, nhiều công trình khoa học đã được biết đến và tôn vinh, nhiều công trình có tính ứng dụng và thực tế rất cao.

Đáng chú ý, năm 2007 đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế nào gốc để điều trị một số bệnh về tim mạch, cơ quan tạo máu và thị giác người do GS. TS Đỗ Doãn Lợi làm trưởng nhóm đã được khởi động và hoàn thành vào năm 2010, ngay sau đó, công trình này được trao giải thưởng Bảo Sơn do Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Tập đoàn Bảo Sơn tổ chức.

Công trình đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học đầu ngành tại các bệnh viện và Trung tâm nghiên cứu y học lớn trong cả nước. Kể từ đó, việc nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc vào Việt Nam vẫn tiếp tục được duy trì, với hy vọng tìm ra được phương pháp mới giúp các bệnh nhân chữa khỏi các bệnh phức tạp mà không phải ra nước ngoài điều trị.

Cho đến nay, nhiều bệnh lí khác nhau đã được điều trị bằng phương pháp tế bào gốc. Theo GS. TS Đỗ Doãn Lợi (Viện tim Quốc gia), thì việc ứng dụng tế bào gốc cần tiến hành thận trọng, không nên quá lạm dụng.

“Hiện nay ở các nước trên thế giới các ứng dụng bắt đầu “chững lại” mà đã đi vào chiều sâu hơn, thay vào đó họ nghiên cứu các tính chất lý học, hóa học, sự phát triển của tế bào đó, từng khía cạnh cụ thể của bệnh nhân tiếp nhận các tế bào đó” GS. Lợi cho hay.

Ngoài đề tài của GS. Đỗ Doãn Lợi, nhiều công trình khoa học có tính ứng dụng cao đã được Giải thưởng Bảo Sơn tôn vinh, đáng kể như: “Chuỗi Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam các năm 2009, 2010, 2011, 2012” của nhóm tác giả do TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN làm trưởng nhóm; hay như công trình “Điều tra, đánh giá, thống kê, quy hoạch các khu bảo tồn vùng đất ngập nước có ý nghĩa quốc tế, quốc gia” của GS. TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội…

Năm 2017, Giải thưởng Bảo Sơn sẽ dành cho công dân Việt Nam có các công trình nghiên cứu, ứng dụng có kết quả, có đóng góp nổi bật và ảnh hưởng tích cực trong 5 lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo; Xóa đói, giảm nghèo; Phát triển kinh tế bền vững; Y – dược học, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Văn học. Bộ GD&ĐT là cơ quan bảo trợ và tổ chức xét tặng Giải thưởng. Mỗi lĩnh vực được trao tặng sẽ có một giải Nhất trị giá tương đương 50.000 đô la Mỹ và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ hơn nữa cần quan tâm đổi mới chính sách đào tạo cán bộ khoa học, công nghệ, đặc biệt là đào tạo các chuyên gia đầu ngành về khoa học, công nghệ. Các ngành, các cấp cần quan tâm đầu tư, tạo những điều kiện thuận lợi nhằm phát huy cao nhất tiềm năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ nữa, cần đổi mới cơ chế quản lý nhân lực khoa học, công nghệ nhằm giải phóng tiềm năng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ. Xây dựng các chính sách tạo động lực vật chất và tinh thần mạnh mẽ cho các cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ, trọng dụng và tôn vinh nhân tài khoa học, công nghệ.

Việt An

Tag :công trình nghiên cứu, nghiên cứu khoa học, khoa học công nghệ, Giải thưởng Bảo Sơn

PGS Tạ Cao Minh ĐH Bách khoa Hà Nội nhận Giải thưởng Nagamori danh giá

Giải thưởng này thuộc Quỹ Nagamori, mang tên người sáng lập, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Tập đoàn Nidec của Nhật Bản, một trong những nhà sản xuất động cơ điện hàng đầu thế giới.

Giải thưởng Nagamori được trao thường niên từ năm 2015 cho những nhà khoa học xuất sắc tại Nhật Bản và trên thế giới trong lĩnh vực thiết kế, điều khiển động cơ điện và những công nghệ có liên quan. Năm nay, PGS Tạ Cao Minh cùng 7 nhà khoa học khác sẽ vinh dự được nhận Giải thưởng này.

Đây là sự ghi nhận xứng đáng những thành quả xuất sắc của PGS Tạ Cao Minh đối với sự nghiệp khoa học thuộc lĩnh vực động cơ điện và truyền động điện.

Lễ trao giải sẽ được tổ chức tại Kyoto vào ngày 03/9/2017.

PGS Tạ Cao Minh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Sáng tạo công nghệ (CTI), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

PGS Tạ Cao Minh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Sáng tạo công nghệ (CTI), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Được biết, năm 1997, PGS Tạ Cao Minh bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Laval, Canada, với đề tài “Điều khiển động cơ không đồng bộ dùng logic mờ”.

Sau đó, PGS Minh nghiên cứu tại Khoa Điện – Điện tử, Đại học Kyushu, Nhật Bản với đề tài “Điều khiển thang máy không dây sử dụng động cơ tuyến tính” theo nguyên lý nâng và đẩy từ trường. Tên của PGS Minh hiện được lưu trong kỷ yếu của ĐH Kyushu như một nhà khoa học nước ngoài xuất sắc đã làm việc tại trường.

Nghiên cứu tại Đại học Tokyo theo chương trình của Quỹ Xúc tiến Khoa học Nhật Bản (JSPS). Công trình “Điều khiển tối ưu hiệu suất động cơ điện không đồng bộ” sử dụng tỷ lệ Vàng được trao giải Nhì của phân ban Truyền động điện sau Hội nghị quốc tế của IEEE về Năng lượng tại Ý năm 2000.

Trong thời gian làm việc tại phòng Nghiên cứu – Phát triển (R&D), công ty NSK Nhật Bản: có 14 sáng chế đăng ký tại Nhật Bản, trong đó 12 sáng chế tiếp tục được cấp bằng tại Mỹ/châu Âu cho ngành công nghiệp ô tô (đặc biệt là phương pháp điều khiển “giả vec-tơ” (pseudo vector control - PVC) động cơ BLDC cho hệ thống trợ lực vô lăng).

Đến năm 2004, ông trở về giảng dạy tại Trường ĐHBK Hà Nội, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, sinh viên sau đại học với nhiều bài báo công bố tại các hội nghị quốc tế liên tục từ năm 2007 đến nay. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Sáng tạọ Công nghệ - CTI (thành lập năm 2009).

Ngoài ra, PGS Tạ Cao Minh còn là Chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước KC03.08/11-15 “Nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ truyền động và điều khiển cho ô tô điện” được nghiệm thu cuối năm 2015, làm tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo về xe điện tại Việt Nam.

Trước đó, năm đầu tiên 2015, giải thưởng được trao cho 3 nhà khoa học Nhật Bản và 3 nhà khoa học Áo, Đài Loan và Thụy Sĩ. Giải thưởng năm 2016 được trao cho 5 nhà khoa học Nhật Bản và 1 nhà khoa học Hà Lan (gốc Nga). Giải thưởng năm nay sẽ được trao cho 6 nhà khoa học Nhật Bản, 1 Thái Lan, 1 Việt Nam.

Quỹ Nagamori được thành lập với mục tiêu đóng góp vào sự phát triển của khoa học và công nghiệp thông qua việc trao Giải thưởng cho những nhà nghiên cứu và phát triển công nghệ xuất sắc của Nhật Bản và thế giới.

Hoạt động chính của Quỹ là thúc đẩy các nghiên cứu liên quan đến động cơ, cơ cấu chấp hành, máy phát điện, với thách thức “tạo ra cuộc sống sung túc” và “bảo vệ môi trường toàn cầu”, cùng với việc điều phối giải thưởng Nagamori. Giải thưởng dành cho những người có đóng góp sáng tạo trong việc phát triển công nghệ có liên quan đến động cơ điện.

Nhật Hồng (nguồn HUST)

Tag :ĐH Bách khoa Hà Nội, Đại học Tokyo, Giải thưởng Nagamori, PGS.TS Tạ Cao Minh

Đề Văn chuyên ĐH Sư phạm: An toàn, cơ bản, dự đoán nhiều điểm 7-8

Sáng nay 1/6, hơn 5.000 thí sinh thi vào khối 10 trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội đã kết thúc bài thi bắt buộc thứ hai với môn Ngữ văn. Hào hứng, phấn khởi với đề thi Văn “dễ thở” là tâm trạng chung của nhiều thí sinh sau khi ra khỏi phòng thi.

Đề thi chính thức môn Văn vào lớp 10 THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2017.
Đề thi chính thức môn Văn vào lớp 10 THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2017.

Đề ít sáng tạo, phù hợp kiểm tra đại trà

Thầy Đặng Ngọc Khương (giáo viên Văn có kinh nghiệm giảng dạy tại nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Nội) đánh giá cấu trúc đề không có gì thay đổi. Đề vẫn chia làm 3 phần:

+ Câu 1: Kiểm tra kiến thức Tiếng Việt bằng dạng câu hỏi Đọc hiểu ngắn

+ Câu 2: Nghị luận xã hội: Viết đoạn văn 10 câu trình bày theo một cách thức do đề yêu cầu

+ Câu 3: Nghị luận văn học: Phân tích 1 tác phẩm hoặc một hình tượng/vấn đề trong tác phẩm

- Về cơ cấu điểm có sự chuyển dịch nhẹ:

+ Câu 1: Năm 2016 (2 điểm) – 2017 (1,5 điểm)

+ Câu 2: Năm 2016 (2 điểm) – 2017 (2,5 điểm)

“Sự chuyển dịch đó cho thấy người ra đề đã ưu tiên hơn đối với phần nghị luận xã hội để kiểm tra, đánh giá những hiểu biết, trải nghiệm thực tế của học sinh. Tuy nhiên với mức điểm 2,5/10 dành cho phần Nghị luận xã hội, chứng tỏ đề vẫn nghiêng về kiểm tra kiến thức sách vở”, thầy Khương nhận định.

Thầy Đặng Ngọc Khương đánh giá đề thi khó gây ấn tượng với học sinh giỏi.
Thầy Đặng Ngọc Khương đánh giá đề thi khó gây ấn tượng với học sinh giỏi.

Theo thầy Đặng Ngọc Khương, đề thi năm 2017 cả về mặt nội dung và hình thức (cách hỏi - cách đặt vấn đề) không có gì đổi mới, sáng tạo hơn so với đề năm 2016.

Đề ở mức độ an toàn, dành cho học sinh có sức học từ trung bình - khá trở lên, ít tính thẩm mĩ, thiếu sáng tạo, khó gây ấn tượng với những học sinh giỏi là đánh giá chung của thầy Khương về đề này.

Thí sinh bàn luận sau khi kết thúc môn thi Văn sáng nay.

Thí sinh bàn luận sau khi kết thúc môn thi Văn sáng nay.

Một cô giáo chuyên Văn ở Hà Nội nhận xét: “Đề rất cơ bản và an toàn tuyệt đối. Yếu tố mới và sự cuốn hút thì hầu như không có. Trong 120 phút mà đề như vậy là hơi dài, vất vả cho học sinh. Đề này kiểm tra đại trà và cho học sinh nhiều tỉnh thành thì phù hợp”.

Chưa thật hay, khả năng phân loại không cao

TS. Phạm Hữu Cường nhận xét, đề thi môn Ngữ văn điều kiện (dành cho mọi thí sinh) thi vào Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội sáng nay khá cơ bản và kiểm tra tương đối toàn diện kiến thức và kĩ năng của thí sinh.

Cụ thể, đề yêu cầu xác định phương thức biểu đạt của một đoạn văn, phân tích giá trị của biện pháp tu từ trong 2 dòng thơ, viết đoạn văn nghị luận xã hội theo hình thức lập luận diễn dịch; và phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” để làm sáng tỏ nhận định: tình yêu làng tha thiết thống nhất với lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến.

Theo thầy Cường, kiến thức mà đề thi đề cập tới và kĩ năng mà đề yêu cầu cũng hoàn toàn nằm trong chương trình Ngữ văn THCS, nhất là Ngữ văn lớp 9, phù hợp với trình độ của mọi thí sinh, với thời gian làm bài 120 phút, không đánh đố học sinh.

Các câu hỏi trong đề có xu hướng đề cập tới những vấn đề khá thiết thực và gần gũi với tuổi trẻ, như “làm cho lớp trẻ quen dần với những thói quen tốt đẹp ngay từ những việc nhỏ nhất”, “lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh”, “vứt bỏ những điểm yếu”, để đất nước “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, hay vấn đề “gian nan rèn luyện mới thành công”.

Đặc biệt, câu 1b và câu 3 trong đề thi đều hướng tới tình cảm đối với quê hương, cũng như sự thống nhất giữa tình nhà và nghĩa nước… là những vẻ đẹp đạo lí, tình nghĩa muôn thuở của con người, rất có nghĩa với tuổi trẻ.

TS. Phạm Hữu Cường nhận xét đề thi Văn cơ bản, phù hợp với mọi học sinh.
TS. Phạm Hữu Cường nhận xét đề thi Văn cơ bản, phù hợp với mọi học sinh.

“Nhìn chung đề thi không khó, đảm bảo được yêu cầu kiểm tra đầu vào đối với mọi thí sinh thi THPT, khá nhiều chất văn, có khả năng khơi gợi hứng thú làm bài cho học sinh. Các em chỉ cần bám sát văn bản, vận dụng kiến thức Ngữ văn THCS, nhất là Ngữ văn lớp 9 cùng kĩ năng phân tích và năng lực cảm thụ văn học của mình là có thể hoàn thành được phần lớn yêu cầu của đề. Tuy nhiên, đề thi chưa thật hay, ít câu hỏi mở, tính thời sự và khả năng phân loại thí sinh cũng chưa thật cao”, TS Phạm Hữu Cường đánh giá.

Theo thầy Cường, với đề thi này, thí sinh sẽ được khoảng 7-8 điểm là chủ yếu, các em có năng lực tốt sẽ đạt 8-9 điểm trở lên.

Lệ Thu

Tag :Đề thi môn Văn, thi môn văn, lớp 10 THPT, đề thi Văn, ĐH Sư Phạm Hà Nội