Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Đề Văn chuyên ĐH Sư phạm: An toàn, cơ bản, dự đoán nhiều điểm 7-8

Sáng nay 1/6, hơn 5.000 thí sinh thi vào khối 10 trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội đã kết thúc bài thi bắt buộc thứ hai với môn Ngữ văn. Hào hứng, phấn khởi với đề thi Văn “dễ thở” là tâm trạng chung của nhiều thí sinh sau khi ra khỏi phòng thi.

Đề thi chính thức môn Văn vào lớp 10 THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2017.
Đề thi chính thức môn Văn vào lớp 10 THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2017.

Đề ít sáng tạo, phù hợp kiểm tra đại trà

Thầy Đặng Ngọc Khương (giáo viên Văn có kinh nghiệm giảng dạy tại nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Nội) đánh giá cấu trúc đề không có gì thay đổi. Đề vẫn chia làm 3 phần:

+ Câu 1: Kiểm tra kiến thức Tiếng Việt bằng dạng câu hỏi Đọc hiểu ngắn

+ Câu 2: Nghị luận xã hội: Viết đoạn văn 10 câu trình bày theo một cách thức do đề yêu cầu

+ Câu 3: Nghị luận văn học: Phân tích 1 tác phẩm hoặc một hình tượng/vấn đề trong tác phẩm

- Về cơ cấu điểm có sự chuyển dịch nhẹ:

+ Câu 1: Năm 2016 (2 điểm) – 2017 (1,5 điểm)

+ Câu 2: Năm 2016 (2 điểm) – 2017 (2,5 điểm)

“Sự chuyển dịch đó cho thấy người ra đề đã ưu tiên hơn đối với phần nghị luận xã hội để kiểm tra, đánh giá những hiểu biết, trải nghiệm thực tế của học sinh. Tuy nhiên với mức điểm 2,5/10 dành cho phần Nghị luận xã hội, chứng tỏ đề vẫn nghiêng về kiểm tra kiến thức sách vở”, thầy Khương nhận định.

Thầy Đặng Ngọc Khương đánh giá đề thi khó gây ấn tượng với học sinh giỏi.
Thầy Đặng Ngọc Khương đánh giá đề thi khó gây ấn tượng với học sinh giỏi.

Theo thầy Đặng Ngọc Khương, đề thi năm 2017 cả về mặt nội dung và hình thức (cách hỏi - cách đặt vấn đề) không có gì đổi mới, sáng tạo hơn so với đề năm 2016.

Đề ở mức độ an toàn, dành cho học sinh có sức học từ trung bình - khá trở lên, ít tính thẩm mĩ, thiếu sáng tạo, khó gây ấn tượng với những học sinh giỏi là đánh giá chung của thầy Khương về đề này.

Thí sinh bàn luận sau khi kết thúc môn thi Văn sáng nay.

Thí sinh bàn luận sau khi kết thúc môn thi Văn sáng nay.

Một cô giáo chuyên Văn ở Hà Nội nhận xét: “Đề rất cơ bản và an toàn tuyệt đối. Yếu tố mới và sự cuốn hút thì hầu như không có. Trong 120 phút mà đề như vậy là hơi dài, vất vả cho học sinh. Đề này kiểm tra đại trà và cho học sinh nhiều tỉnh thành thì phù hợp”.

Chưa thật hay, khả năng phân loại không cao

TS. Phạm Hữu Cường nhận xét, đề thi môn Ngữ văn điều kiện (dành cho mọi thí sinh) thi vào Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội sáng nay khá cơ bản và kiểm tra tương đối toàn diện kiến thức và kĩ năng của thí sinh.

Cụ thể, đề yêu cầu xác định phương thức biểu đạt của một đoạn văn, phân tích giá trị của biện pháp tu từ trong 2 dòng thơ, viết đoạn văn nghị luận xã hội theo hình thức lập luận diễn dịch; và phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” để làm sáng tỏ nhận định: tình yêu làng tha thiết thống nhất với lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến.

Theo thầy Cường, kiến thức mà đề thi đề cập tới và kĩ năng mà đề yêu cầu cũng hoàn toàn nằm trong chương trình Ngữ văn THCS, nhất là Ngữ văn lớp 9, phù hợp với trình độ của mọi thí sinh, với thời gian làm bài 120 phút, không đánh đố học sinh.

Các câu hỏi trong đề có xu hướng đề cập tới những vấn đề khá thiết thực và gần gũi với tuổi trẻ, như “làm cho lớp trẻ quen dần với những thói quen tốt đẹp ngay từ những việc nhỏ nhất”, “lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh”, “vứt bỏ những điểm yếu”, để đất nước “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, hay vấn đề “gian nan rèn luyện mới thành công”.

Đặc biệt, câu 1b và câu 3 trong đề thi đều hướng tới tình cảm đối với quê hương, cũng như sự thống nhất giữa tình nhà và nghĩa nước… là những vẻ đẹp đạo lí, tình nghĩa muôn thuở của con người, rất có nghĩa với tuổi trẻ.

TS. Phạm Hữu Cường nhận xét đề thi Văn cơ bản, phù hợp với mọi học sinh.
TS. Phạm Hữu Cường nhận xét đề thi Văn cơ bản, phù hợp với mọi học sinh.

“Nhìn chung đề thi không khó, đảm bảo được yêu cầu kiểm tra đầu vào đối với mọi thí sinh thi THPT, khá nhiều chất văn, có khả năng khơi gợi hứng thú làm bài cho học sinh. Các em chỉ cần bám sát văn bản, vận dụng kiến thức Ngữ văn THCS, nhất là Ngữ văn lớp 9 cùng kĩ năng phân tích và năng lực cảm thụ văn học của mình là có thể hoàn thành được phần lớn yêu cầu của đề. Tuy nhiên, đề thi chưa thật hay, ít câu hỏi mở, tính thời sự và khả năng phân loại thí sinh cũng chưa thật cao”, TS Phạm Hữu Cường đánh giá.

Theo thầy Cường, với đề thi này, thí sinh sẽ được khoảng 7-8 điểm là chủ yếu, các em có năng lực tốt sẽ đạt 8-9 điểm trở lên.

Lệ Thu

Tag :Đề thi môn Văn, thi môn văn, lớp 10 THPT, đề thi Văn, ĐH Sư Phạm Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét