Nhân rộng yêu thương để đầy lùi bạo lực có thể xem là thông điệp của Tuần lễ chống bạo hành trẻ em do Tiến sĩ Tâm lý Lê Nguyên Phương - Chủ tịch Hội liên hiệp Phát triển Tâm lý học đường thế giới vừa khởi xướng hướng đến ngày Thế giới Phòng ngừa bạo lực với trẻ em (19/11).
Chỉ trong một thời gian ngắn, hoạt động này đã thu hút đông đảo các thành phần như các nhà tâm lý, giáo dục, họa sĩ, giáo viên, phụ huynh… cho đến các tổ chức cùng góp sức bằng những việc làm, hành động cụ thể phù hợp với công việc, vai trò của mình.
Sẽ có nhiều chương trình, chuyên đề liên quan đến chủ đề bạo lực trẻ em được tổ chức rộng rãi sự tham gia của hàng loạt chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục. Trong đó, các chuyên gia tập trung truyền tải thông tin cho giáo viên, học sinh và phụ huynh trong phạm vi môi trường làm việc của mình.
Diễn giả Catherine Yến Phạm cảnh báo, trẻ em bị bạo hành từ bé sẽ trở nên bạo lực và nhẫn tâm khi lớn lên. Nếu được dạy trả thù hay là nạn nhân từ bé sẽ mang tâm lý này mà hành hạ bản thân và người khác khi lớn lên. Hạnh phúc sẽ trở thành không tưởng với bất kỳ ai. Để chấm dứt việc này phải bắt đầu từ nhận thức của phụ huynh!
Không chỉ một tuần, bà sẽ dành một tháng đi nói chuyện không thu phí về chủ đề Phòng chống bạo lực cho trẻ em với hành trình từ Bắc đến Nam. Nội dung của những buổi nói chuyện nhắm thay đổi tư duy "thương cho roi cho vọt " để con người nếu có thể xin đừng hành hạ nhau bằng lời nói, hành vi hay cách sống.
Rất nhiều giáo viên trong cả nước cũng tham gia ứng tuần lễ bằng việc đưa thông tin đến với học sinh thông qua các bài học trên lớp và các bài chia sẻ với phụ huynh. Họ cam kết không sử dụng bạo lực với học trò dưới bất cứ hình thức nào và lan truyền tinh thần này đến với đồng nghiệp quanh mình.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các Bà Mẹ chia sẻ một ngày bà đón nhận không biết bao nhiêu clip qua báo chí, qua các anh chị em quan tâm đến giáo dục con trẻ gửi về.
Xem mà đau lòng! Bao nhiêu cảnh tượng tung lên clip thật dã man từ chuyện mẹ lột quần con, người lớn đánh trẻ em, cho đến vô số nhiều cảnh học sinh hành hạn bạn, đạp, ngắt nhéo bộ phận sinh dục của bạn, tè lên người bạn, bắt bạn quỳ, đùng dép đánh vào mặt... Cả đám cùng nhau đánh, lại còn nhởn nhơ quay clip, nhân cách chẳng thấy đâu chứ nói chi đến lòng trắc ẩn.
Đã đến lúc không thể để trẻ em phải đau đớn, gánh chịu hậu quả của bạo lực thêm nữa. Theo bà Thúy, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và tất cả mọi người trong cộng đồng, chẳng ai có thể chờ ai, cần nhìn thẳng sự thật để cùng nhau bồi đắp nhân cách cho trẻ, cho con sức mạnh nội tâm và những kỹ năng cần thiết.
Kể cả những người tưởng như không liên quan đến lĩnh vực về trẻ em cũng tích cực hưởng ứng chiến dịch. Các họa sĩ tham gia vẽ tranh cổ động hay thiết kế tạo các mẫu hình cho các ý tưởng, chủ đề gắn liên với các hoạt động như các sinh hoạt ngoài trời, thể dục thể thao, chạy bộ… để lan truyền tinh thần nói không với bạo lực.
Nếu không thể góp sức bằng công việc chuyên môn thì chiến dịch đưa ra gợi ý, mỗi người có thể trao đổi, tâm sự và thuyết phục gia đình, bà con, bạn bè, đồng nghiệp thay đổi suy nghĩ về vấn đề sử dụng bạo lực như đánh đập hay nhục mạ trẻ khi dạy dỗ. Có thể tự đề ra chỉ tiêu cho mình, chẳng hạn cố gắng nói chuyện với ít nhất 3 người một tuần.
Fanpage Tuần lễ phòng chống bạo hành trẻ em do ThS Tâm lý Ngô Minh Uy lập ra trở thành một thư viện sống liên quan đến vấn đề bạo lực trẻ em. Ở đó, không chỉ thông tin về các vụ bạo hành trẻ em được cập nhật mà nhiều tư liệu, bài dịch khoa học liên quan như nhận diện bạo hành, cách can thiệp với trẻ em bạo hành và bị bạo hành…được chia sẻ đến tất cả mọi người.
Nhiều kỹ năng, kiến thức quý giá từ các chuyên gia giúp mọi người xây dựng mối quan hệ, tương tác thầy - trò, cha mẹ - con cái, bạn bè… một cách tích cực để tránh việc bạo lực.
Ở đây, rất nhiều phụ huynh, giáo viên cùng chia sẻ những tình huống, câu chuyện thực tế của mình trong việc phòng chống bạo lực cho con trẻ. Qua đó, mọi người có thể học hỏi hoặc đưa ra góp ý của mình. Tất cả đều chung tinh thần vì trẻ em và điều đó chỉ có thể thành hiện thực trên cơ sở tình yêu thương, sự bao dung.
Tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương chia sẻ, chỉ có yêu thương mới đẩy lùi được bạo lực, mỗi người cần bắt đầu bằng những hành động cụ thể, kể cả những ai không làm việc trong lĩnh vực giáo dục, tâm lý.
Chỉ khi tinh thần không bạo lực với trẻ em được lan truyền, càng nhiều người góp sức thì trẻ em Việt sẽ được sống trong hòa bình, nhân ái; sẽ mới không còn những cảnh người hành hạ người một cách lạnh lùng, nhẫn tâm.
Một số hoạt động ủng hộ Tuần lễ chống bạo hành trẻ em: Hội quán Các Bà Mẹ sẽ tổ chức chuỗi chương trình “Tự tin cho con sức mạnh” thực hiện tại các trường Mầm non, THCS, THPT, CĐ- ĐH tại nhiều quận ở TPHCM hoàn toàn miễn phí. Chương trình nói chuyện của chuyên gia Catherine Yến Phạm tại 5 thành phố lớn. Tại Hà Nội vào ngày 6/11, Huế vào ngày 11/11,ngày 12/11 tại Đà Nẵng, TPHCM vào ngày 20/11 và 27/11 tại Cần Thơ. Chương trình sẽ tập trung vào những đề tài và những kỹ năng sau: Tâm an, kiềm chế cơn giận để tươi mát đối diện với con; Bảo vệ con trước bạo lực xã hội (lới nói/ hành vi/ suy nghĩ quan niệm xã hội); Dạy con kỹ năng ứng phó trước bạo lực; Phòng tránh xâm hại tình dục nơi trẻ; xây dựng tư duy cho trẻ và cách tiếp cận của phụ huynh về tính dục cho trẻ. TS Xã hội học Phạm Thị Thúy sẽ tham gia qua các hoạt động như đến các trường nói chuyện về kỹ năng phòng vệ, giúp các em tự bảo vệ bản thân; tặng sách Kỹ năng phòng vệ cho học sinh, cha mẹ trong các chương trình nói chuyện; Chia sẻ tích cực hơn nữa các phương pháp sư phạm để giáo viên dạy học sinh với những giờ giảng vui và hấp dẫn chứ không cần đến những hình phạt mang tính bạo lực; đưa nội dung phòng ngừa bạo lực trẻ em lồng vào các bài nói chuyện với phụ nữ các địa phương. Dự kiến có sẽ có hoạt động tập thể cùng chạy bộ ủng hộ tuần lễ. |
Hoài Nam
(Hoainam@dantri.com.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét