Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Tự chủ đại học: Vì sao nhiều trường ngần ngại xa rời "bầu sữa bao cấp ngân sách"?

Việc thiếu tự tin, ngại ngần của các trường nguyên nhân do đâu? Dưới đây là phân tích của các chuyên gia giáo dục về vấn đề này.

GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam: Trường đại học nếu không phấn đấu để tự khẳng định mình sẽ bị giải thể hoặc sát nhập

GS.TS Trần Hồng Quân

GS.TS Trần Hồng Quân

Câu chuyện tự chủ đại học không lạ trên thế giới nhưng chưa quen với ta. Ở nước ta vừa phải tiếp tục thuyết phục nhau là nên thực hiện tự chủ đại học, vừa phải nghiên cứu cách thức tự chủ phù hợp với hoàn cảnh và thể chế chính trị kinh tế của nước ta.

Với các nhà quản lý, cũng có người rất thật lòng muốn trao quyền tự chủ cho các trường, nhưng không phải ai cũng nhận thức ra rằng Tự chủ là điều không thể thiếu để các trường có thể năng động sáng tạo và phát triển mà lại nghĩ rằng cần phải cầm tay chỉ việc, can thiệp cụ thể, thậm chí nghĩ thay làm thay nhiều tác nghiệp ...nhân danh vì trách nhiệm xã hội, để các trường khỏi phạm sai lầm. Ở đây tôi chưa nói đến động cơ vì lợi ích riêng tư mà cản trở việc giao quyền tự chủ cho các trường.

Còn với các trường thì trường nào bức xúc với sự ràng buộc quá đáng do quản lý tập trung, hạn chế sự sáng tạo thì hoan nghênh việc triển khai thực hiện tự chủ, coi như được giải phóng; còn với các trường thiếu tự tin, ngần ngại việc xa rời bầu sữa bao cấp của ngân sách nhà nước, ngần ngại bơi trong bối cảnh tự lập thì không hoan nghênh tự chủ, coi đó như là sự buông tay thiếu trách nhiệm của nhà nước, họ mong muốn tiếp tục sống trong cơ chế quản lý tập trung như một sự núp bóng an nhàn. Biết rằng còn rất nhiều trường muốn thực hiện tự chủ nhưng hoặc là đang thận trọng hoặc là chưa kịp chuẩn bị đầy đủ.

Có thể coi là đã qua giai đoạn tập trung thuyết phục các nhà quản lý, bây giờ chuyển sang giai đoạn tập trung thuyết phục các cơ sở đào tạo chuẩn bị nhập cuộc thực hiện tự chủ đại học.

Cơ chế tập trung quan liêu bao cấp tạo ra sự trì trệ mang tính phổ biến trong toàn xã hội. Có thể nói đến nay, sau hơn ba mươi năm đổi mới mà các lĩnh vực văn xã nói chung và giáo dục nói riêng vẫn còn mang đậm nét của cơ chế cũ ấy trong quản lý.

Đó là lý do tự chủ đại học chậm được xác lập. Phải xóa bao cấp để tránh ỉ lại, phải xóa nghĩ thay làm thầy để tránh dựa dẫm, phải khắc phục sự ràng buộc để tránh tình trạng các trường phải múa gậy trong bị, phải xóa bỏ sự quản lý tập trung ngặt nghèo để các trường có động lực tự thân và có điều kiện khách quan để luôn luôn canh tân theo hướng tối ưu hoá để tồn tại và phát triển.

Ngay sự tồn tại cũng không phải là đương nhiên như trước đây, nếu không phấn đấu để tự khẳng định mình trong cuộc cạnh tranh trên thị trường dịch vụ giáo dục thì có thể không đứng vững, có thể bị sàng lọc, sát nhập hoặc giải thể. Từng cán bộ quản lý ,từng cán bộ giảng dạy cũng phải không ngừng phấn đấu mới có chỗ đứng tương xứng trong nhà trường chứ không phải đã vào biên chế nhà nước thì yên vị suốt đời.Từ động lực tập thể và động lực của từng cá nhân sẽ tạo ra động lực chung của nhà trường , tạo ra sinh khí phát triển mạnh mẽ.

Việc tự chủ về tài chính khiến cho không ít trường lo ngại nhưng chính phủ có quy định các bước đi trong một lộ trình hợp lý, đồng thời khi thực sự thực hiện tự chủ tài chính đầy đủ thì nhà nước không phải hoàn toàn không đầu tư mà là sẽ đầu tư theo phương thức khác ví dụ như đặt hàng đào tạo , đặt hàng nghiên cứu khoa học, trong trường hợp đặc biệt có thể đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm chất lượng cao...

Các trường tự lo nguồn thu là một trách nhiệm nặng nề, chỉ có thể thực hiện được bằng sự phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Về nguyên tắc, phải tiến tới các trường có quyền quyết định mức học phí để bù đủ chi phí đào tạo theo điều kiện bảo đảm chất lượng tương xứng của nhà trường ( hiện nay tạm thời nhà nước còn quy định mức học phí tối đa cho các trường tự chủ và thay đổi dần theo lộ trình cần thiết để tránh sự đột ngột đối với người học). Hy vọng ngân sách nhà nước dành cho giáo dục không giảm mà là phải đầu tư tập trung có hiệu quá hơn. Còn chính sách hỗ trợ học bổng cho các đối tượng sinh viên diện chính sách sẽ được đầu tư trực tiếp theo các sinh viên đó đến nhà trường.

GS.TSKH. Hoàng Xuân Sính Trường Đại học Thăng Long: Tự chủ đại học như mẹ muốn dạy con gái biết quán xuyến việc nhà!

GS.TSKH Hoàng Xuân Sính

GS.TSKH Hoàng Xuân Sính

Luật giáo dục đại học ban hành ngày 18/6/2012 đã quy định tại Điều 32 "Quyền tự chủ của trường đại học" trong các hoạt động tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế. Tiếp theo Luật giáo dục đại học, Điều lệ trường đại học ban hành ngày 10/12/2014 đã quy định cụ thể tại Điều 5 quyền tự chủ trong các lãnh vực kể trên cho các trường đại học công lập và ngoài công lập.

Chúng tôi hiểu tự chủ đại học với hai văn bản trên như sau. Lấy ví dụ đơn giản trong một gia đình, mẹ muốn dạy con gái biết quán xuyến việc nhà, nói với con: từ giờ mẹ giao cho con việc chi tiêu cơm nước trong gia đình, với số tiền hàng tháng mẹ trích ra từ lương của bố mẹ và con, con làm thế nào cho đủ ba bữa mỗi ngày, có đủ dinh dưỡng cho người có tuổi và cho em con đang ở tuổi cần ăn.

Ở đây độ tự do cho người con khá lớn, chỉ có một ràng buộc, đó là đủ chất dinh dưỡng cho người già và cho con trẻ, điều kiện này hợp lý được cô gái đồng tình ngay. Nhưng nếu người mẹ lại đòi hỏi thêm những điều kiện khắt khe có khi còn bảo thủ về ăn uống, thì việc thực hiện sẽ rất khó khăn cho con gái.

Lúc đó con gái phải nói với mẹ: Mẹ ơi, quan niệm của mẹ về ăn uống như vậy không hợp với khoa học, nó không những lạc hậu mà còn có hại cho sức khỏe. Mẹ giao cho con gái làm chủ gia đình, nhưng hai mẹ con phải trao đổi với nhau, kinh nghiệm của mẹ và hiểu biết của con phải bổ sung thật tốt cho nhau, không có sự làm bừa của con và không có sự áp đặt của mẹ.

Chúng tôi đã hiểu tự chủ đại học với hai văn bản Luật giáo dục đại học và Điều lệ trường đại học như chuyện quán xuyến việc gia đình kể trên: chúng tôi phải làm theo luật, nhưng luật phải sát với thực tiễn trong nước và ngoài nước, không duy ý chí "cho ít mà bắt làm nhiều", không phản khoa học, phải có sự hợp tác giữa các nhà làm luật, các cấp quản lý và các trường đại học.

Chúng tôi được tự chủ với ít ràng buộc trong chi tiêu và tổ chức - nhân sự. Về học thuật thì chỉ được phần nào như việc tổ chức dạy cao học trong nước như kể trên; còn ngành nghề và khung chương trình thì hoàn toàn là nằm trong khung đã định sẵn.

Và còn việc xin phép liên kết với một đại học nước ngoài thì quả là khó khăn, nó có những qui định mà chúng tôi mong rằng trong tương lai sẽ bớt đi. Mọi người trong chúng ta đều hiểu rằng tự chủ trong học thuật làm trường nổi tiếng.

Tự chủ đại học không phải là dễ, nó đòi hỏi nhà trường, các cấp lãnh đạo và xã hội phải có năng lực.

Trước hết, đội ngũ nhà trường từ lãnh đạo đến nhân viên và nhất là giảng viên (nòng cốt của trường) phải được đào tạo bài bản. Một giáo sư, ngoài giỏi chuyên môn, phải có quan hệ quốc tế để đưa nghiên cứu sinh của mình đến với những đề tài hay. Lãnh đạo nhà trường phải có khả năng quản lý, thông thạo nhiều vấn đề, có cái nhìn trước mắt và lâu dài, có quan hệ rộng trong nước và quốc tế.

Lãnh đạo các cấp có năng lực để đưa ra những chính sách, những quy định hợp lý, không có những ràng buộc khiến các trường không hoạt động được. Ngoài ra cần nghiên cứu kỹ các trường đại học nước ngoài và các chính sách họ được hưởng từ nhà nước để so sánh với điều kiện trong nước.

Cho tới nay, tư duy "duy ý chí " vẫn ngự trị trong chính sách: chẳng hạn nhìn trường đại học nước ngoài có cơ sở khang trang liền ra ngay một quy định về số m2 cho mỗi sinh viên của một trường, trong khi hầu như không có đại học nào trong nước thỏa mãn điều kiện quy định.

GS.TS Trần Hồng Quân: Tự chủ đại học phải thực hiện đầy đủ trên ba mặt:

- Tự chủ thực hiện nhiệm vụ đào tạo, hoạt động khoa học có thể gọi tắt là tự chủ về học thuật;

- Tư chủ về tài chính;

- Tự chủ về nhân lực.

Sẽ không thể không đụng đến các quy định trong luật lao động, luật ngân sách và quy định về quản lý đào tạo, quản lý khoa học hiện hành, đặc biệt là đụng đến các quy chế tổ chức hoạt động các loại cơ sở đào tạo đại học. Trước hết là phải nghiên cứu để tháo gỡ những điều đó rồi phải xây dựng các mô hình thích hợp với các loại cơ sở đại học như các ĐH trọng điểm quốc gia, các trường do nhà nước đầu tư toàn bộ, các trường do nhà nước đầu tư một phần, các trường sở hữu phức hợp và các trường không có sở hữu nhà nước,

Hiện nay mới có 14 trường tự nguyện đăng ký và được Chính phủ công nhận cho thí điểm. Phần lớn các trường còn lại đang chuẩn bị hoặc chưa chuẩn bị nhưng đã đến lúc chúng ta phải sớm sẵn sàng bắt tay vào thực hiện tự chủ theo lộ trình của chính phủ đã quy định. Đây là một chủ trương lớn đầy triển vọng, nếu triển khai thành công rộng rãi thì nền đại học sẽ có bộ mặt mới năng động, thay đổi từng ngày để đáp ứng phát triển đất nước.

Hồng Hạnh(ghi)

Tag :ngân sách Nhà nước, chuyên gia giáo dục, trần hồng quân, cầm tay chỉ việc, trách nhiệm xã hội, phạm sai lầm, cán bộ quản lý, tự chủ tài chính, đặt hàng đào tạo, GS Hoàng Xuân Sính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét