Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Bị cận thị không được dự tuyển vào Học viện Tòa án

Trang thông tin của Học viện cho biết, được sự đồng ý của Bộ Giáo dục - đào tạo và Tòa án nhân dân tối cao, Học viện Tòa án chính thức tuyển sinh đại học năm 2016 hệ chính quy, ngành luật học.

Đối tượng xét tuyển:

Thí sinh đã tham gia và có kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 theo Tổ hợp môn thi đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định, có nguyện vọng học tại Học viện Tòa án.

Học viện Tòa án chỉ xét tuyển đối với thí sinh chưa đăng ký xác nhận nhập học vào bất kỳ trường nào.

Tiêu chuẩn sơ tuyển:
Thí sinh dự tuyển không quá 22 tuổi (tính đến năm dự thi).

Về tiêu chuẩn sức khỏe: Thí sinh phải có đủ sức khỏe để học tập, công tác, đồng thời phải đáp ứng các điều kiện sau:

Nam: Chiều cao từ 1,60m, cân nặng từ 48kg trở lên.

Nữ: Chiều cao từ 1,55m, cân nặng từ 45kg trở lên, không bị dị hình, dị dạng, khuyết tật, không nói ngọng, nói lắp, không mắc bệnh kinh niên, mãn tính, không bị cận thị.

Trong các ngày sơ tuyển, thí sinh phải đến Học viện Tòa án nộp bản gốc Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia năm 2016. Thí sinh đã qua sơ tuyển (đăng ký vào các trường đại học, học viện Công an nhân dân và Đại học kiểm sát) phải nộp bản gốc chứng nhận đạt kết quả sơ tuyển, nếu không nộp đúng thời hạn coi như chưa qua sơ tuyển và phải sơ tuyển.

Thí sinh vắng mặt trong các ngày sơ tuyển được coi là từ bỏ đăng ký xét tuyển vào Học viện Tòa án.
Thí sinh tự chủ động đến đúng thời gian, địa điểm do Học viện Tòa án quy định để thực hiện sơ tuyển.

Ngành đào tạo và chỉ tiêu của Học viện năm 2016
Ngành đào tạo và chỉ tiêu của Học viện năm 2016

Nguyên tắc xét tuyển:

Điểm trúng tuyển xác định theo từng tổ hợp môn thi và tính từ điểm cao xuống điểm thấp đến hết chỉ tiêu tuyển sinh.

Nếu còn chỉ tiêu mà nhiều thí sinh cùng mức điểm sẽ xét theo thứ tự các tiêu chí sau đây:

Tiêu chí 1: Thí sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi trong cả 3 năm THPT.
Tiêu chí 2: Sau khi xét tiêu chí 1, nếu Học viện vẫn còn chỉ tiêu nhưng có nhiều thí sinh bằng điểm, cùng tiêu chí 1 thì xét đến tiêu chí môn thi ưu tiên:

Thí sinh xét tuyển theo tổ hợp các môn:

Toán, Vật lí, Hóa học thì thí sinh có điểm thi môn Toán cao hơn sẽ trúng tuyển.

Toán, Vật lí, Tiếng Anh thì thí sinh có điểm thi môn Vật lí cao hơn sẽ trúng tuyển.

Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí thì thí sinh có điểm môn Ngữ văn cao hơn sẽ trúng tuyển.

Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh thì thí sinh có điểm thi môn Tiếng Anh cao hơn sẽ trúng tuyển.

Sau khi xét hết tiêu chí 2 vẫn chưa đủ chỉ tiêu tuyển sinh, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh của Học viện sẽ quyết định hết số chỉ tiêu còn lại (nếu có).

Lưu ý: Hồ sơ đăng kí xét tuyển, ngoài các giấy tờ thông thường như khi xét tuyển vào một trường ĐH- HV, lý lịch tự khai phải có xác nhận của UBND xã phường, thị trấn nơi đăng kí hộ khẩu và có đóng dấu giáp lai giữa các trang.

Thời gian nộp hồ sơ: Từ ngày 23/9/2016 đến 17h00 ngày 30/9/2016 qua bưu điện, bằng phương thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại trường theo địa chỉ: Khoa Đào tạo Đại học, nhà A1 (tầng 1), Học viện Tòa án, đường 282, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

Mỹ Hà

Tag :tuyển sinh đại học, xét tuyển đại học

Môn Lịch sử thi trắc nghiệm: Vẫn đánh giá chính xác được học sinh

Dân trí đã trao đổi và nhận được ý kiến chia sẻ của PGS. TS Hà Minh Hồng – Trưởng Bộ môn Lịch sử Việt Nam của trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM) về những thay đổi theo dự thảo phương án thi năm 2017.

PGS.TS Hà Minh Hồng phát biểu trong một hội nghị (ảnh: Trường ĐHKHXH&NV TPHCM)
PGS.TS Hà Minh Hồng phát biểu trong một hội nghị (ảnh: Trường ĐHKHXH&NV TPHCM)

Thưa PGS. TS Hà Minh Hồng,việc Bộ GD-ĐT đưa ra phương án thi 2017 trong đó môn sử sẽ thi trắc nghiệm, có nhiều ý kiến băn khoăn, là một chuyên gia giảng dạy môn Lịch sử ông có cho phương thức thi này là hợp lý hay không?

PGS.TS Hà Minh Hồng: Tôi cho rằng cái hợp lý ở đây chính là việc thi cử cần phải thay đổi, đổi mới trong đó cần những cách thức phá vỡ cách thi truyền thống đã quá cũ kỹ, không còn thích hợp. Phải thay đổi để nó có thể đồng bộ với các môn khác chứ với tình trạng học và thi sử như hiện nay thì cứ kéo dài khoảng cách giữa các môn chính, môn phụ. Tôi cho rằng đổi mới phải có sự đồng bộ.

Việc thi trắc nghiệm hay không trắc nghiệm thì sẽ có nhiều nhìn nhận khác nhau. Nhưng có một dẫn chứng thế này, ở cuộc thi Olympic Mác Lê-nin trong đó có một phần lịch sử hoặc các môn Triết học, Kinh tế chính trị… thì vẫn có hình thức thi trắc nghiệm.

Việc dùng hình thức thi trắc nghiệm để đánh giá vẫn hết sức chính xác mà không có vấn đề gì. Thi trắc nghiệm cũng đưa ra 4 dữ kiện để thí sinh lựa chọn thì vẫn đảm bảo có chất lượng của một kỳ thi. Mỗi đợt thi thì mỗi đội tham gia phải trả lời gần 20 câu trắc nghiệm thuộc mỗi loại, như vậy mỗi đề thi như vậy phải gần 100 câu trắc nghiệm toàn những câu về Mác Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng trong đó có lịch sử văn hóa, lịch sử dân tộc.

Dù cuộc thi đó không phải là kỳ thi quốc gia, thi tốt nghiệp hay để thi ĐH nhưng tôi thấy phương thức thi trắc nghiệm vẫn có hiệu quả. Đem hiệu quả này để đến một hiệu quả khác thì cần phải có một khoảng cách để xem xét nhưng tôi không thấy có gì khó khăn lắm trong thử trắc nghiệm sử. Nên đặt mức độ từng bước bằng cách năm nay đưa ra thử nghiệm.

Thí sinh thi môn Sử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016
Thí sinh thi môn Sử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016

Nhưng thưa PGS.TS, với cách thay đổi khá mạnh này, nhiều giáo viên phổ thông cũng cảm thấy hoang mang vì chưa hình dung được cách thi trắc nghiệm sử sẽ như thế nào?

PGS. TS Hà Minh Hồng: Tôi thấy nhiều người rất choáng, hoang mang, chờ đợi nhưng cũng có trường nọ trường kia đã có sự chủ động thay đổi trong cách thức tổ chức môn học. Nhiều trường đã họp tổ bộ môn này, tổ kia để tìm ra phương thức dạy kể cả môn giáo dục công dân cũng được đưa ra bàn nên dạy như thế nào. Tôi cho rằng cái được trước hết của cách thi này là đã đánh động các trường phổ thông. Việc đánh động từ bây giờ để 9 tháng sau đưa hướng dẫn vào thì dần dần giải quyết được cái hoang mang, dao động của giáo viên, học sinh.

Cũng đừng lo quá vì không phải từ trước tới nay chúng ta chưa bao giờ thi trắc nghiệm cả. Bộ GD đã hứa có mẫu đề thi minh hoạ, tôi nghĩ bộ phận làm đề đã chuẩn bị kỹ hơn để làm sao người thi có quá trình quá độ. Sắp tới việc đưa đề thi ra thử nghiệm thì tôi nghĩ đã có tính chất quá độ. Tôi cho rằng cứ mạnh dạn làm, không cần đánh động trong năm nay rồi 2,3 năm tới mới thực hiện. Trải qua quá trình đó thì đề thi cũng sẽ có tính chất quá độ. Nên mạnh dạn thay đổi và thể hiện nguyện vọng của phụ huynh, học sinh và giáo viên bằng thực tế của thể nghiệm đó như thế nào. Để từ đó nhà trường, giáo viên và học sinh điều chỉnh cách dạy, cách học.

Một vấn đề cũng khiến xã hội chưa an tâm là thi tổ hợp với mỗi môn chỉ 20 câu trắc nghiệm thì liệu có đảm bảo đánh giá chất lượng của thí sinh hay không? Ông có chung nỗi lo này hay không?

PGS. TS Hà Minh Hồng: Tôi cũng có lo lắng vấn đề đó. Nếu đưa được hết các môn vào thì mới chỉ giả quyết một vấn đề dạy môn nào thì thi môn đó. Nhưng tôi cũng đang băn khoăn trong chuyện để cho học sinh tự chọn một trong hai tổ hợp, hoặc xã hội hoặc tự nhiên. Tôi e rằng học sinh cũng sẽ tiếp tục không chọn thi môn xã hội, không chỉ riêng lẻ môn sử mà một loạt môn xã hội khác các em đều không chọn. Như vậy, tôi cho rằng điều đó cũng không thể nói kỳ thi sẽ thành công.

Tôi biết phương án của Bộ là để tiến tới 1 bài thi thôi với tổ hợp các môn đã học. Vậy thì nên chăng trong giai đoạn hiện nay chúng ta cứ thử nghiệm tổ hợp đó để xem như thế nào. Nếu đã làm một bài thi gồm 3 môn thì cũng nên đặt vấn đề đưa được 6 thậm ưa chí cả 9 môn vào một bài thi được hay không. Tôi cho rằng những tỉ lệ đó chúng ta hoàn toàn định ra được. Tôi không ủng hộ để học sinh tự chọn môn thi vì thế nào cũng xảy ra tình trạng học lệch.

Hiện nay có nhiều môn học sinh rất sợ như môn sinh, sử vậy thì chúng ta phải làm cách nào đó để các em bớt sợ đi bằng cách dạy đều hết các môn. Chứ nếu để tự chọn như hiện nay thì sẽ có trường dạy lệch môn này hoặc môn kia. Mà cái gốc của việc dạy lệch, học lệch cũng là do vấn đề thi cử, suy cho cùng cũng là động cơ bằng cấp, bệnh thành tích.

Tôi cứ hình dung nếu thi một bài tổ hợp tổng hợp các môn để không ai tránh cãi được. Tất cả các môn đều như nhau, đối xử như nhau, thầy cô cũng được đối xử như nhau, phụ huynh cũng phải đối xử như nhau và học sinh vừa bị vừa được quan tâm như nhau. Theo tôi đó mới chính là cái chúng ta cần hướng tới.

Tôi có cảm nhận dự thảo của Bộ đưa ra cũng có phần rụt rè, chưa đột biến lắm. Nếu cứ từng bước từng bước như thế thì tôi không hiểu đến bao giờ chúng ta mới có được điều như mong muốn trong đổi mới giáo dục.

Tất nhiên để thay đổi được như thế tôi nghĩ khâu chuẩn bị cho đề thi rất quan trọng đòi hỏi một ban lớn chuyên trách thực hiện.

Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông.

Lê Phương (ghi)

(lephuong@dantri.com.vn)

Tag :đánh giá chất lượng, Thi trắc nghiệm, chọn môn thi

Phó Hiệu trưởng ĐH Bạc Liêu: “Nên mạnh dạn thi trắc nghiệm cả môn Ngữ Văn”

Trao đổi với PV Dân trí về kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, TS. Trần Mạnh Hùng- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu cho biết, ông ủng hộ phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ GD-ĐT đưa ra. Theo TS. Hùng, phương án cho thi trắc nghiệm các môn nhằm đảm bảo tính khách quan, chống gian lận, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin,…

TS. Trần Mạnh Hùng nêu thêm quan điểm, ngoài những môn đã được Bộ GD-ĐT cho thi trắc nghiệm như trong phương án, thì Bộ nên xem xét, mạnh dạn cho thi trắc nghiệm cả môn Ngữ Văn. “Cấu trúc đề thi của môn Văn giống như môn Ngoại ngữ, khi có một phần trắc nghiệm và một phần tự luận. Trong đó, phần thi trắc nghiệm nghiêng về kiểm tra nội dung kiến thức đã học, còn phần tự luận để phát huy khả năng phân tích, hiểu biết, quan điểm, trí tuệ của thí sinh”, TS. Hùng nêu ý kiến.

Theo TS. Hùng, trong các môn thi thì môn Ngữ Văn việc chấm thi là “cực” nhất. Như môn Toán đã có đáp án sẵn nên không mất quá nhiều thời gian để chấm. Còn ở môn Văn, có nhiều thí sinh có thể làm bài nhiều trang giấy nên chấm thi rất mất thời gian. “Việc tổ chức thi trắc nghiệm môn Ngữ Văn nhằm làm giảm bớt thời gian làm bài của thí sinh và việc chấm thi cũng nhanh hơn. Bên cạnh đó, chấm thi nhanh có kết quả sớm cũng là để các trường chủ động hơn trong việc xét tuyển sinh”, T.S Hùng chia sẻ.

TS. Trần Mạnh Hùng- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu: Bộ GD-ĐT nên mạnh dạn cho thi trắc nghiệm cả môn Ngữ Văn.
TS. Trần Mạnh Hùng- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu: "Bộ GD-ĐT nên mạnh dạn cho thi trắc nghiệm cả môn Ngữ Văn".

Về công tác tổ chức, thanh tra thi, theo TS. Trần Mạnh Hùng, ngoài đoàn thanh tra của Bộ thì Bộ chỉ cần thành lập một Tổ kiểm tra thanh tra ủy quyền (báo cáo trực tiếp với Bộ), có thể trường ĐH này kiểm tra chéo trường kia để nhắc nhở, khuyến cáo trong các khâu chuẩn bị thi… để đỡ mất thời gian cũng như những vấn đề phát sinh khác.

Với công tác coi thi, chấm thi, Bộ nên huy động lực lượng giảng viên ĐH, CĐ của tỉnh nào thì chấm thi tại tỉnh đó. Theo TS. Hùng, hiện nay hầu như tỉnh nào cũng đã có trường Đại học hoặc Cao đẳng, do đó, việc huy động lực lượng tại chỗ để coi và chấm thi cũng góp phần làm giảm chi phí trong việc tổ chức thi.

Phó Hiệu trưởng ĐH Bạc Liêu cho rằng, có lẽ tỉnh nào cũng muốn làm nghiêm trong công tác tổ chức thi, nhưng nếu mở rộng quá nhiều điểm thi thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Do đó, phạm vi của mỗi tỉnh không quá rộng, nên đưa hết thí sinh tập trung về trung tâm của tỉnh đó, chứ không nên đưa xuống các huyện sẽ khó kiểm soát, trừ những địa bàn quá đặc biệt như có đảo, miền núi. “Việc tập trung thí sinh về một địa bàn thứ nhất là có không khí thi, thứ hai là tạo sự nghiêm ngặt hơn trong việc coi thi”, TS. Hùng nêu quan điểm.

Trong tháng 10, nên công khai tất cả các thông tin liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia

Về công tác tuyển sinh, theo TS. Trần Mạnh Hùng, vừa qua, nhiều trường “tốp trên” lấy điểm bằng với ngưỡng của Bộ GD-ĐT đưa ra (như 15 điểm) khiến các trường “tốp dưới” gặp khó, trong đó có nhiều thí sinh ảo. Do đó, để tránh thí sinh ảo, các trường “tốp trên” nên xác định điểm chuẩn từ đầu, ngay thời điểm nộp hồ sơ và phải cao hơn ngưỡng của Bộ.

“Các trường tốp trên đưa ra mức điểm chuẩn cao hơn ngưỡng của Bộ thế nào là tùy vào mỗi trường, để từ đó thí sinh nào thấy mình phù hợp thì nộp hồ sơ. Còn lấy mức điểm bằng ngưỡng của Bộ thì khi thí sinh nộp hồ sơ, trường lấy từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu, việc thí sinh có điểm chỉ bằng ngưỡng của Bộ mà không trúng tuyển, dẫn đến hồ sơ ảo là khó tránh khỏi”, TS. Hùng chia sẻ quan điểm.

TS. Trần Mạnh Hùng cũng kiến nghị, ngay trong tháng 10, Bộ GD-ĐT nên công khai tất cả các thông tin liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia, kể cả tuyển sinh CĐ, ĐH để các trường cũng như phụ huynh, học sinh chủ động, chứ để gần sát thời gian diễn ra kỳ thi mới cụ thể thông tin thì dễ gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho các thành phần này.

Huỳnh Hải

Tag :Trần Mạnh Hùng, ĐH Bạc Liêu, thi trắc nghiệm

“Báo động” số học sinh ngày càng giảm ở khối trường ngoài công lập tại Huế

Số học sinh ngày càng giảm

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, có 3 trường ngoài công lập tuyển sinh từ cấp mầm non đến THPT (đều cùng nằm tại TP Huế) là trường Huế Star, Chi Lăng và Trần Hưng Đạo (riêng trường này chỉ tuyển sinh cấp THPT).

Theo số liệu từ Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế ở cấp THPT năm học 2016-2017 trường Huế Star có 13 HS/60 chỉ tiêu; trường Chi Lăng là 43 HS/90 chỉ tiêu và trường Trần Hưng Đạo là 20 HS/90 chỉ tiêu.

Con số này đã giảm dần qua 2 năm học qua (2015-2016 và 2014-2015) theo thứ tự như sau: 27/60 và 30/160 (trường Huế Star); 110/90 và 122/160 (trường Chi Lăng); 72/90 và 127/160 (trường Trần Hưng Đạo).

Đối với cấp Tiểu học & THCS các trường có rất ít HS. Ở năm học này trường Huế Star chỉ có 15 cháu (Tiểu học) và 13 cháu/40 chỉ tiêu (THCS).

Đặc biệt ở trường Chi Lăng, toàn bộ 2 cấp trên với 9 khối học, tổng cộng toàn trường chỉ vỏn vẹn có 76 HS (toàn cấp Tiểu học có 42 HS và toàn cấp THCS có 34 HS).

Trường Chi Lăng với tổng số 76 HS quá ít ỏi ở 2 cấp Tiểu học & THCS, hiện đã chuyển hết cấp HS Tiểu học sang học các trường công lập, số HS cấp THCS sẽ được chuyển hết trong tháng 9 này (ảnh chụp ngày 23/9)
Trường Chi Lăng với tổng số 76 HS quá ít ỏi ở 2 cấp Tiểu học & THCS, hiện đã chuyển hết cấp HS Tiểu học sang học các trường công lập, số HS cấp THCS sẽ được chuyển hết trong tháng 9 này (ảnh chụp ngày 23/9)

Trước tình hình khó khăn này, trường Chi Lăng đã xin UBND TP Huế chuyển hết HS ở 2 cấp Tiểu học, THCS đến học các trường công lập khác, đồng nghĩa với việc “xóa bỏ” 2 cấp này ở trường, chỉ còn duy trì cấp THPT.

Nguyên nhân và giải pháp nào trong thời gian tới?

Ngày 23/9, PV đã có trao đổi với TS. Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế trước thực trạng tuyển sinh “èo uột”, “dở sống dở chết” của các trường ngoài công lập trên.

TS. Hùng chia sẻ, việc xã hội hóa giáo dục thời gian qua là quan trọng vì các trường ngoài công lập đã chia sẻ gánh nặng với các trường công lập, tạo điều kiện để phân luồng, phân tuyến nhằm cho trường công lập phát triển hơn; và khá phù hợp với kinh tế đang đi lên của các gia đình, muốn cho con học ở các trường ngoài công lập có điều kiện.

Tuy nhiên, về mặt tuyển sinh ngày càng đi xuống ở khối trường này dù cơ sở vật chất trường đều tốt, nguyên nhân chính vẫn rất có thể là tâm lý phụ huynh do dựa vào 1 nền giáo dục công lập đã có từ lâu. Nếu gửi con vào học trường tư thì phụ huynh nghĩ là như cho con làm việc ở cơ sở tư nhân, dẫn đến sự không yên tâm, lo lắng. Có gì đó như sự tạm bợ, thất thế trong cuộc đua, kiểu như “thua chúng kém bạn”.

Tiếp đến là sự phát triển khối trường này mới chỉ 7-8 năm trở lại đây, trước đó là mô hình các trường bán công rất thành công. Do nằm ở vùng đất Huế nơi mà các trường công lập có lịch sử quá lâu, in đậm trong tiềm thức người dân nên họ tin vào một thương hiệu lớn bền vững hơn.

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế - TS. Phạm Văn Hùng trao đổi tâm huyết về nguyên nhân, giải pháp để khối trường ngoài công lập có thể vực dậy trong thời gian tới
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế - TS. Phạm Văn Hùng trao đổi tâm huyết về nguyên nhân, giải pháp để khối trường ngoài công lập có thể vực dậy trong thời gian tới

Mặc dù Sở đã tạo sự bình đẳng trong cơ hội tuyển sinh cho các trường, cho HS đăng ký tự nguyện vào các trường ngay từ đầu, chỉ khi nào đăng ký quá 20% chỉ tiêu thì mới tiến hành thi tuyển cũng như cho các trường đăng ký chỉ tiêu căn cứ vào cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… Nhưng đến này số lượng HS vào học trường ngoài công lập chủ yếu là số HS bị “lọt” không vào được trường công mới tìm vào đây.

Hướng giải quyết nào trước thực trạng này? TS. Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế trao đổi: “Sở đề nghị các trường tìm xu hướng phát triển phù hợp, như chú ý tới khối mầm non hiện đang có nhu cầu lớn tại Huế... Trường nhất quyết cần tăng cường làm thương hiệu nhằm tạo nên những thương hiệu chất lượng trong giáo dục toàn diện là "giáo dục nhân cách gắn liền với chất lượng". Việc này cần phải quảng bá, truyền thông để giái quyết vấn đề tâm lý cho người dân, phụ huynh nhưng không phải một sớm một chiều mà cần phải có thời gian để chứng minh”.

Đại Dương

Tag :trường ngoài công lập, tỉnh Thừa Thiên Huế, trường Chi Lăng, trường Huế Star, trường Trần Hưng Đạo, báo động, tuyển sinh, giáo dục công lập, trường công lập, Huế, trường bán công, truyền thông, thi tuyển, đăng ký, học sinh, Giám đốc Sở GD-ĐT

Điều đặc biệt của bộ sách truyện “Đội thám hiểm tiếng Anh Gram Gram”

Bộ sách do Công ty Cổ phần sách MCBooks mua bản quyền phát hành tại Việt Nam.

Hình ảnh được trích dẫn từ video trẻ em Hàn Quốc thích thú với bộ sách

Hình ảnh được trích dẫn từ video trẻ em Hàn Quốc thích thú với bộ sách

Ngay từ khi ra mắt tại thị trường Hàn Quốc bộ sách đã được các bậc phụ huynh vô cùng yêu mến, đồng thời tạo ra trào lưu đọc truyện tranh học tiếng Anh với các bé từ lớp 3 đến lớp 9. Đây là bộ truyện tranh đầu tiên dành giải thưởng Sách Giáo dục do phụ huynh Hàn Quốc bình chọn.

34 tập Gram là những chuyến phiêu lưu ly kỳ để bảo vệ cái thiện của ba bạn Gun, Bitna, Pio. Điều đặc biệt là tác giả khéo léo lồng ghép kiến thức tiếng Anh để thử thách các bạn nhỏ trong cuộc phiêu lưu đó. Khi là phân chia từ loại danh từ, tính từ trong bài học từ vựng; lúc lại là cách dùng What và Who trong “Đội thám hiểm ngữ pháp tiếng Anh”…

Tiếng Anh lồng ghép vào các câu thoại để kích thích sự khám phá ý nghĩa của trẻ

Tiếng Anh lồng ghép vào các câu thoại để kích thích sự khám phá ý nghĩa của trẻ

Trong tập 1 của “Đội thám hiểm ngữ pháp tiếng Anh Gram Gram”, Gun, Bitna, Pio đã bị ma thuật đưa đến Grammwoods!

Grammpet Noun (Danh từ) chính là quái tướng đầu tiên cản đường ba bạn nhỏ. Ở cuộc đối đầu này, các bạn sẽ giành chiến thắng nếu có thể gọi tên các vật được đưa ra bằng danh từ tiếng Anh.

Độ khó tăng dần khi quái tướng đòi hỏi các bạn nhỏ phân biệt dạng số nhiều, số ít của danh từ, cách dùng mạo từ và đại từ nhân xưng… Với sự thông minh và tinh thần đoàn kết, Gun, Bitna và Pio không những hoàn thành mọi thử thách mà còn thu về sức mạnh hiểu rõ trật tự từ trong câu tiếng Anh để phản công cái ác.

Nếu dùng một câu nói để đúc kết về bộ sách này thì đó là “giúp học sinh học tiếng Anh một cách tự nhiên, thú vị và dễ dàng như chính tiếng mẹ đẻ”.

Những bài học không dàn trải, dài dòng nên khiến trẻ em tự giác vui học và dễ dàng ghi nhớ. Các từ vựng, ngữ pháp tiếng Anh được giải thích đầy đủ bằng tiếng Việt giúp các em có thể tự học. Hệ thống trò chơi và bài tập phong phú được tổng kết cuối mỗi chương truyện sẽ giúp các em thực hành ngay lại những kiến thức vừa thu lượm được.

Hình vẽ vui tươi, bắt mắt; câu chuyện hài hước nhưng không kém phần gay cấn. Và hơn thế nữa, là tình bạn, tinh thần đồng đội, sự đồng hành của cái thiện – những điều mà cha mẹ luôn muốn dạy cho con thì bộ sách đã đại diện để nói ra.

Từ vựng, ngữ pháp là hai vấn đề quan trọng khi học tiếng Anh và chúng trở nên vô cùng đơn giản khi được thể hiện gần gũi và hợp sở thích các em như trong bộ truyện này.

Chia sẻ về lý do mua sách, phụ huynh Trần Minh Phương nói: “Sách tiếng Anh kết hợp truyện tranh là một ý tưởng sáng tạo tuyệt vời, vì học tiếng Anh có hình ảnh sẽ dễ hình dung và dễ nhớ hơn. Sách có nhiều câu chuyện li kì tạo sức hút cho các em nhỏ. Hy vọng sẽ còn nhiều cuốn sách hay như thế này nữa”.

Nhiều người trước đây đã rất khó khăn khi cho con học thêm tiếng Anh thì giờ đã có thể thở phào nhẹ nhõm với bộ sách “Đội thám hiểm tiếng Anh Gram Gram” này. Chị Phan Thị Liên ở Hà Nội kể: “Trước đây cháu nhà tôi rất ghét học tiếng Anh. Nhưng từ khi tôi mua bộ sách này về, bé ham học hơn, kiến thức tiếng Anh tăng lên rõ rệt. Đoạn nào không hiểu bé lại từ mày mò để có thể đọc được, từ đấy tôi đỡ vất vả hơn nhiều”.

Tin vui cho các bậc phụ huynh là phiên bản ngữ pháp tập 1, 2, 3 của bộ truyện đang được giảm giá chỉ còn 60 nghìn và sẽ là 48 nghìn khi mua tại Tiki. Đây chính là thời điểm thích hợp nhất để mua tặng con bộ sách bổ ích này: vừa giúp con có kiến thức mà vẫn đảm bảo việc vui chơi giải trí đúng với lứa tuổi. Hơn nữa, cùng với bộ truyện, con trở nên yêu sách và quý trọng thời gian bên trang giấy chắc hẳn sẽ là món quà ý nghĩa nhất mà cha mẹ có được.

Tag :học tiếng Anh, học sinh Việt Nam, thị trường hàn quốc, bậc phụ huynh, sách giáo dục, tiếng anh một cách tự nhiên, Ngữ pháp tiếng Anh, câu chuyện hài hước, tinh thần đồng đội

Trung tâm dạy thêm than khi phải “rút” khỏi trường học

Trở tay không kịp

Theo lộ trình giải thể giải thể dạy thêm học thêm của Sở GD-ĐT TPHCM, hiệu trưởng các trường có các trung tâm thuê phòng ốc phải thông báo tới nhà đầu tư việc chấm dứt hoạt động, lập hồ sơ đề nghị giải thể gửi về Sở, hạn chót là ngày 31/1/2017.

Các trung tâm Ngoại ngữ, Tin học và dạy thêm học thêm ở TPHCM sẽ không được thuê phòng ốc ở các trường học
Các trung tâm Ngoại ngữ, Tin học và dạy thêm học thêm ở TPHCM sẽ không được thuê phòng ốc ở các trường học

Chủ trương này làm các trường không khỏi rầu lòng khi mất đi một khoản thu cho các hoạt động giáo dục, chăm lo đời sống giáo viên. Các trung tâm đang thuê mướn cơ sở của nhà trường càng thêm sốt vó vì khó trở kịp tay.

Bà Phạm Thị Trường, Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Quốc tế Mỹ cho hay, với một thay đổi lớn như vậy mà chỉ có 3 tháng để thực hiện thì các trung tâm xoay không kịp. Giờ chuyển ra ngoài thuê cơ sở mới, chờ giấy phép thành lập mới, giải quyết cho học viên đang theo học, chế độ giáo viên đang giảng dạy… không thể trong ngày một ngày hai. Sự thay đổi này cũng làm người học lo lắng, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của trung tâm.

Theo bà Trường, không phải trung tâm nào cũng có điều kiện để thuê hẳn tòa nhà bên ngoài mà phải tìm đến các nơi có sẵn cơ sở, nhất là trong các trường học. Thuê bên ngoài rất khó tìm được những nơi đảm bảo các yêu cầu giáo dục như thẩm mỹ, sân vui chơi rồi yếu tố an toàn.

Chưa kể, việc thuê phòng ốc bên ngoài làm chi phí sẽ cao hơn nhiều sẽ kéo theo học phí các trung tâm sẽ tăng lên. Trong khi, việc học ngoại ngữ dành cho rất nhiều đối tượng với điều kiện kinh tế khác nhau.

“Nếu không thể tiếp tục cho các trung tâm thuê mướn phòng ốc ở các trường học thì Sở nên có lộ trình phù hợp, ít nhất là 6 tháng đến 1 năm cho các trung tâm”, bà Trường đề nghị.

Trước đó, trong buổi làm việc của HĐND TPHCM với địa bàn quận 1, bà Đàm Lê Đức, Trung tâm bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng cũng nêu ra thắc mắc, thành phố cấm dạy thêm trong nhà trường nhưng sao lại cấm việc các trung tâm thuê mướn phòng ốc của các trường để dạy thêm?

“Hiện chúng tôi thuê phòng học của một số trường để dạy thêm buổi tối. Bây giờ thành phố cấm, chúng tôi rất khó khăn, trong khi buổi tối phòng học của các trường để không”, bà Đức nói.

Dạy gì cũng là dạy thêm!

Phải rời khỏi trường học, nhiều trung tâm đang rơi vào tình cảnh học viên đang theo học rút lui, học viên mới không đăng ký… ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín. Việc thuê mướn mặt bằng mới bên ngoài nhà trường đáp ứng được các quy định không hề dễ dàng.

Nhất là khi theo ý kiến của một số quản lý các trung tâm Ngoại ngữ, Tin học và dạy thêm học thêm, Sở quá “khắc khe” trong việc đưa ra các điều kiện về cơ sở, phòng ốc, đảm bảo an toàn, nhất là phòng cháy chữa cháy… nên các trung tâm rất khó tìm mặt bằng. Không ít trung tâm đứng trước nguy cơ phải ngưng hoạt động vì chủ trương không được thuê phòng ốc của các trường.

TPHCM đang nỗ lực trong việc học sinh đi học thêm tràn lan
TPHCM đang nỗ lực trong việc học sinh đi học thêm tràn lan

Trả lời về vấn đề này, tại Hội nghị triển khai năm học mới của Khối Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho hay việc không cho tổ chức dạy thêm học thêm bên trong nhà trường, kể các trung tâm bên ngoài cũng không được thuê phòng ốc của các trường để dạy học thêm là chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Sở GD-ĐT có nhiệm vụ thực hiện tốt và nghiêm túc chỉ đạo.

Theo ông Đạt, trong chương trình học, gần 98% học sinh thành phố học tiếng Anh. Các trung tâm tổ chức bên trong nhà trường, dù dạy theo chương trình gì đi nữa thì cũng là dạy thêm. Mà hoạt động này, chủ trương là không được tổ chức trong nhà trường. Nhà trường, học sinh cần tập trung dạy đủ học đủ và hạn chế việc phải đi học thêm.

“Các trung tâm cần thông cảm và chia sẻ với ngành giáo dục về vấn đề này, để tìm cách vượt qua thách thức và phải thực hiện nghiêm chỉ đạo để đảm bảo sự kỷ cương của ngành”, ông Đạt đề nghị.

Lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM cũng cho biết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các trung tâm giải thể trong trường học và cấp giấy phép thành lập mới.

Việc các trường không được cho các trung tâm dạy thêm bên ngoài thuê phòng cũng gây nhiều tranh cãi. Nhiều trường học cho rằng như vậy là “triệt” nguồn thu của nhà trường, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động. Vì giờ các trường không được tổ chức dạy thêm học thêm, lại không được cho thuê phòng ốc thì… phòng học bỏ trống vào những giờ học sinh không học là quá lãng phí. Nơi có thì không được cho thuê, nơi cần lại phải "bỏ sông bỏ hồ đi tìm ao".

Tuy nhiên, đây có thể cho thấy quyết tâm thực hiện triệt để việc xóa dạy thêm, học thêm trong trường học, nhất là những tiêu cực trong hoạt động này của TPHCM. Vì thực tế, theo một lãnh đạo trường ở quận 1 TPHCM thì nhiều trung tâm thuê mướn trong trường học, đồng thời kết hợp với các trường để chiêu sinh học viên và thường giáo viên trong trường dạy thêm ngay trung tâm thuê mặt bằng của trường. Dù nói không liên quan nhưng vẫn dùng dằng việc học sinh có “nhu cầu” đi học thêm ở ngay trung tâm trong trường.

Trong khi TPHCM đang tìm mọi cách hạn chế học sinh đi học thêm tràn lan, kể cả học ở các trung tâm thì quy định này tưởng là vô lý, gây thiệt hại nhưng xem ra là cần thiết.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)

Tag :tổ chức dạy thêm, học sinh đi học, cấm dạy thêm, đi học thêm, trung tâm ngoại ngữ

Giáo viên cũng ám ảnh… tiền trường

Giáo viên sợ họp phụ huynh

Đầu năm, các khoản tiền trường là vấn đề trọng tâm nhất ở hầu hết các buổi họp phụ huynh. Những nội dung về tương tác thầy trò, kết nối phụ huynh - giáo viên trong dạy trẻ được trao đổi qua loa, ngắn gọn để “nhường sân” cho vấn đề tài chính.

Đâu chỉ bố mẹ mới “ngán” những giờ họp phụ huynh mà toàn nói chuyện tiền. Đối tượng khổ sở không kém chính là giáo viên khi họ phải thay mặt nhà trường đứng ra từ thông báo, giải thích về các khoản thu trước ánh mắt ái ngại, nặng nề của phụ huynh.

Hầu hết ở các trường, giáo viên phải đứng ra thông báo với phụ huynh về các khoản thu
Hầu hết ở các trường, giáo viên phải đứng ra thông báo với phụ huynh về các khoản thu

Cô L.Ng.M., giáo viên bậc THPT ở quận 2, TPHCM cho hay, trước ngày họp phụ huynh thì giáo viên chủ nhiệm các lớp được nhà trường thông tin và phổ biến về các khoản thu. Nên muốn hay không thì buổi họp phụ huynh đã được “lập trình” là để thông báo tiền trường.

Cô M. nói dù đã quen nhưng cô thật sự đau lòng khi người thầy mà phải đứng ra thông báo, giải thích về các khoản thu với phụ huynh. Phụ huynh sợ họp phụ huynh thì giáo viên cũng chẳng không thiết tha gì.

Trước buổi họp, cô M. thường đến sớm hơn để ghi các khoản thu sẵn lên bảng. Phụ huynh bước vào phòng họp là thấy ngay cái bảng ghi chi chít là tiền thu. Cô M. bộc bạch: “Tôi ghi trước vì tôi không muốn phụ huynh ngồi ở dưới nhìn mình đi phát giấy thông báo họ nhìn tôi ghi từng khoản thu lên bảng. Tôi dạy học chứ không phải đứng lớp để ghi tiền, thu tiền”.

Biết vậy nhưng quy định chung của nhà trường, cô M. và các đồng nghiệp dẫu chẳng ai muốn nhưng đâu thể khước từ. Bao nhiêu điều tiếng không đẹp về buổi họp phụ huynh “đổ” hết xuống đầu giáo viên.

Tuy nhiên, họp phụ huynh chỉ mới là phần “mở màn” của việc giáo viên phải dây dưa đến chuyện tiền trường. Ngay cả việc thu tiền hay “đòi nợ” phụ huynh đóng tiền trễ ở nhiều trường cũng khoán luôn cho giáo viên. Có nơi còn đưa vào thi đua xếp loại.

Phụ huynh “trốn” giáo viên

Các khoản thu ở trường học giao cho giáo viên đứng ra thu chi, hối thúc phụ huynh gây ra hình ảnh hết sức phản cảm về nhà giáo trong mắt học sinh và phụ huynh.

Nhiều giáo viên lên lớp nhưng trong cặp sách là phiếu thu các khoản thu chi. Có khi, trước giờ học để thầy trò thăng hoa với tri thức hay giờ sinh hoạt lớp là lúc cô trò trao đổi, tâm tư có cũng có thể bị chen vào chuyện tiền bạc.

Ngoài chuyên môn, giáo viên đang phải ôm rất nhiều công việc nhạy cảm ảnh hưởng đến hình ảnh và tâm tư người thầy (Ảnh minh họa)
Ngoài chuyên môn, giáo viên đang phải "ôm" rất nhiều công việc nhạy cảm ảnh hưởng đến hình ảnh và tâm tư người thầy (Ảnh minh họa)

Thầy Trần Thanh H., một giáo viên THCS ở TPHCM cho hay, thầy cô còn ngại hỏi học sinh, phụ huynh chứ lãnh đạo nhà trường thì “thúc” giáo viên như đòi nợ khi lớp có học sinh nào chậm đóng tiền. Lớp đông em đóng muộn, không phải thầy cô nào cũng có thời gian để mà hỏi riêng các em cho tế nhị nên có khi phải thông báo trước lớp. Thầy cô thì ê chề, trò thì xấu hổ, khổ đôi đường.

Thầy H. kể, có lần có em học sinh trong lớp có nhiều thay đổi bất thường nên thầy phải liên lạc với gia đình để trao đổi thêm. Nhưng gọi điện bao nhiêu lần phụ huynh không nghe máy, thầy đến tận nhà thì phụ huynh tránh mặt đến lần thứ 4 mới gặp được. Hỏi ra mới hay, phụ huynh “trốn” thầy vì sợ thầy hỏi tiền trường.

Một giáo viên tiểu học ở quận 4, TPHCM cũng tâm sự, cô đã gặp vô số tình huống đau lòng liên quan đến chuyện tiền bạc trong trường học. Chuyện phụ huynh gọi điện nhắc: “Cô ơi, sáng nay tôi đưa tiền cho cháu rồi, cô thu đi nha” cô gặp thường xuyên. Rồi phụ huynh tránh mặt giáo viên vì sợ bị đòi tiền cũng không ít.

“Giáo viên như là chủ nợ của phụ huynh vậy nhưng lại là “con nợ” của nhà trường. Lớp nào học sinh đóng tiền muộn, mới đầu thì kế toàn, ban giám hiệu còn “nhờ” giáo viên nhưng sau thì chính giáo viên bị đòi, bị nhắc nhở”, cô tâm tư.

Cô giáo này tâm tư thêm, một đồng nghiệp của mình gặp trường hợp em học trò đột nhiên nghỉ học. Đến nhà nói chuyện, em học trò bật khóc nói: “Em sợ đi học bị cô đòi tiền”. Sau đó, cô giáo này nghỉ việc. Cô nói mình không thể chịu đựng thêm được nữa cảnh làm tổn thương học trò và tổn thương nghề giáo.

Việc giáo viên phải “ôm” thêm những việc nhạy cảm và phức tạp ngoài chuyên môn ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh người thầy. Nói như thầy Trần Thanh H., quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh là để cùng giáo dục con trẻ thì đang “nặng” mùi tiền. Họp hành cũng thông báo tiền, quanh năm gọi điện hỏi han học sinh cũng để… nhắc tiền. Phản cảm và tội nghiệp vô cùng cho nhà giáo!

Không chỉ làm hình ảnh, uy tín của người thầy méo mó mà việc giáo viên phải đứng ra thu tiền và hỏi tiền học sinh đủ làm cho người thầy rầu lòng, ưu tư về công việc, nghề nghiệp của mình.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)

Tag :giáo viên tiểu học, giáo viên chủ nhiệm, họp phụ huynh

“Không nên đưa tiếng Nga hay tiếng Trung làm ngoại ngữ bắt buộc”

Thầy Nguyễn Quốc Hùng. (Ảnh: Thanh Hùng).

Thầy Nguyễn Quốc Hùng. (Ảnh: Thanh Hùng).

Là người nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu, theo ông nên xác định trọng dạy ngoại ngữ hiện nay là gì?

Tôi cho rằng vẫn nên đặt trọng tâm là phổ cập tiếng Anh qua hệ thống giáo dục phổ thông như chúng ta đã làm khoảng 30 năm nay. Nhìn tổng thể, chưa có thứ tiếng nào khác quan trọng hơn và có nhu cầu cao hơn, đặc biệt là nhu cầu là công cụ giúp chúng ta hội nhập dễ dàng hơn.

Còn các ngoại ngữ khác, chúng ta cũng cần phát triển, nhưng chỉ nên chú trọng đầu tư cho những khu vực, đối tượng có nhu cầu lớn. Ví dụ Trường Đại học Hà Nội từ nhiều năm nay có rất nhiều khoa ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức, Nhật, Hàn, Ý, Tây Ban Nha,… hàng năm mỗi khoa vẫn có hàng trăm người học. Hoặc những trường đào tạo y, bác sĩ Đông Y,... nên quy định học tiếng Trung,…

Theo ông có nên chọn tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất (bắt buộc) còn các thứ tiếng khác là ngoại ngữ thứ hai?

Nếu thêm một vài ngoại ngữ khác vào trường phổ thông, và quy định tiếng Anh là bắt buộc, còn các thứ tiếng khác là tự chọn thì đương nhiên học sinh phải học hai thứ tiếng một lúc.

Nhìn lại trong 30 vừa qua, chúng ta chỉ phát triển một ngoại ngữ và học sinh cũng chỉ học một ngoại ngữ vậy mà kết quả cho đến nay vẫn rất thấp. Thậm chí, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 vừa qua có có tới 84% thí sinh đạt điểm dưới trung bình.

Như vậy trong giai đoạn hiện nay, nếu bắt buộc học sinh phải học hai thứ tiếng một lúc thì sẽ là gánh nặng đè lên vai học sinh và phụ huynh.

Tôi thiết nghĩ đến hai hướng: Một là chỉ có một ngoại ngữ là tiếng Anh và học sinh bắt buộc phải học ngoại ngữ này, như hiện nay.

Hai là, mỗi trường phổ thông đều dạy một số ngoại ngữ, ví dụ Anh, Pháp, Nga, Trung hoặc Anh, Pháp, Nhật,.... và học sinh được tự chọn ngoại ngữ mình ưa thích, không có ngoại ngữ nào là bắt buộc.

Điều bắt buộc duy nhất chỉ là phải học một ngoại ngữ.

Trên thực tế, nhu cầu sử dụng tiếng Nga hiện nay rất ít. Có khảo sát từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam từ năm 2001 cho thấy chỉ có 0,3% học sinh chọn học tiếng Nga. Vậy đặt ra mục tiêu là ngoại ngữ bắt buộc thì ai sẽ tự nguyện học thì có khả thi?

Tôi nghĩ chúng ta không nên đặt tiếng Nga hay tiếng Trung,... là ngoại ngữ bắt buộc. Bởi thực sự nhu cầu xã hội cũng không nhiều tới mức để bắt buộc toàn bộ học sinh, sinh viên phải học.

Có ý kiến cho rằng nên linh hoạt trong việc dạy học ngoại ngữ như không nhất thiết buộc học sinh theo học các lớp tiếng Anh của Đề án. Thay vào đó người học có thể được gia đình đầu tư học ở ngoài và chỉ cần cuối cấp học, các em đạt được các tiêu chí yêu cầu đầu ra. Liệu có nên xem xét điều này, thưa ông?

Đây là vấn đề rất lớn, tôi chỉ xin phát biểu ý kiến cá nhân. Ở một số nước tiên tiến có thể làm như vậy, nhưng nhìn lại nước ta, với điều kiện kinh tế chung còn thấp, điều kiện sống của các vùng miền còn khó khăn. Có nơi quá khó khăn, năng lực dịch vụ giáo dục còn sơ đẳng. Cùng đó, các cơ sở đào tạo tiếng Anh ngoài nhà trường, các trung tâm dạy ngoại ngữ chưa đạt chuẩn,... Vậy liệu có bao nhiêu người làm được việc đó. Chưa kể, nếu không quản lý tốt, không đấu tranh được với hiện tượng tiêu cực như mua bán chứng chỉ thì cuối cùng con em chúng ta liệu có biết tiếng Anh không, hay chỉ giỏi tiếng Anh…trên giấy tờ.

Đấy là chưa kể muốn làm được phải xây dựng được một cơ chế chặt chẽ: Ai công nhận chứng chỉ, Bộ hay Sở, hay trường? Đơn vị nào được phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ? Ban bố quy định chương trình đào tạo cho các đơn vị đào tạo,… Như vậy mới đảm bảo sự công bằng cho người học trên mọi miền đất nước.

Về việc học ngoại ngữ tự chọn, theo ông, cần có cách nào để đảm bảo được rằng các học sinh chọn ngoại ngữ 2 là theo nhu cầu tự nguyện chứ không phải bắt buộc?

Một khi các nhà trường thực sự dạy nhiều thứ tiếng, học sinh sẽ đăng ký môn học theo nguyện vọng của mình. Tôi nghĩ không có quy định nào mang tính bắt buộc được.

Ông có góp ý gì cho việc dạy tiếng Anh trong thời gian tới có hiệu quả?

Nhìn vào kết quả dạy-học thấp, chúng ta cần một cuộc điều tra tổng thể có tính chất quốc gia để xác định những yêu tố gây ra tình trạng đáng buồn này.

Cá nhân tôi nhìn thấy một số nguyên nhân rõ ràng. Đầu tiên là sự lựa chọn giáo trình cho học sinh học chưa chính xác, vượt khả năng tiếp thu của học sinh. Không kể các trường công học theo giáo trình của Bộ, các trường khác đặc biệt là các trường tư, mỗi trường chọn một giáo trình theo ý mình. Vấn đề ở chỗ là sự lựa chọn có thể không thích hợp với trình độ học sinh như quá khó vì chủ đề khó và xa lạ; quá nhiều từ vựng, nặng ngữ pháp. Rồi nhiều điểm không thích hợp với Việt Nam kể cả tiêu điểm văn hóa hay nhiều loại hình bài tập không thích hợp, như giáo trình tiếng Anh chọn cho lớp 1 mà có đủ cả các bài tập nghe, nói, đọc, viết trong khi học sinh chưa biết đọc, biết viết bằng tiếng mẹ đẻ.

Với quyết định công nhận 44 tiêu chí đánh giá giáo trình tiếng Anh vào cuối năm 2015 của Bộ GD-ĐT cũng là cơ sở để chúng ta làm cơ sở.

Việc thứ hai cần xem lại là trình độ giáo viên. Theo các khảo sát của Đề án 2020, trình độ giáo viên còn thấp, đặc biệt trong khu vực tiểu học. Trong vài ba năm nay với quy định trình độ chuẩn cho giáo viên một số bộ phận giáo viên đã khởi sắc hơn. Do đó, cần tiếp tục nâng cao trình độ giáo viên theo sáu bậc năng lực và bồi dưỡng nhiều hơn về phương pháp giảng dạy, đặc biệt phương pháp dạy trẻ học ngoại ngữ.

Cuối cùng cần giải quyết những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục vốn còn nhiều. Chưa ai khảo sát, thống kê những hiện tượng ấy ở các cấp, nhưng trên thực tế ai cũng biết là có. Những hiện tượng này rõ ràng ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng dạy-học.

Xin cảm ơn ông!

Theo VNN

Tag :Nguyễn Quốc Hùng, dạy ngoại ngữ, giáo dục phổ thông, chú trọng đầu tư, kỳ thi THPT quốc gia, học ngoại ngữ, Giáo dục Việt Nam

Hội Toán học Việt Nam chính thức đề nghị hoãn thi trắc nghiệm toán năm 2017

Ngày 23/9, Ban chấp hành Hội Toán học Việt Nam đã có ý kiến chính thức gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về việc triển khai hình thức thi trắc nghiệm đối với môn Toán trong kỳ thi THPT 2017 .

Ban Chấp hành Hội Toán học Việt Nam cho rằng, "Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017" là một vấn đề hệ trọng của nền giáo dục nước nhà, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài,

Do đó, Ban chấp hành (BCH) Hội Toán học Việt Nam đã phân tích cụ thể như sau:

Đối với môn Toán, thi tự luận có ưu điểm vượt trội trong đánh giá tư duy và năng lực giải quyết vấn đề của học sinh, mặc dù kết quả thi có thể phụ thuộc ít nhiều vào chủ quan người chấm.

Thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan tránh được yếu tố này, nhưng lại có nhiều hạn chế trong việc đánh giá tư duy và năng lực tổng hợp, phân tích, sáng tạo của thí sinh. Đặc biệt, thi theo hình thức trắc nghiệm có tính phân loại không cao, nhất là khi ngân hàng đề thi chưa đảm bảo chất lượng, chưa được thử nghiệm trên số mẫu đủ lớn, trong một thời gian đủ dài, nhằm hình thành một hệ thống câu hỏi tốt, có khả năng phân loại thí sinh.

Để có đủ cơ sở khoa học và sức thuyết phục, các kỳ thi trắc nghiệm Toán đã được thực hiện ở một vài nơi của Việt Nam cần được đánh giá công bằng về tính khoa học và hiệu quả thực tiễn, phân tích lý do vì sao phải chuyển đổi từ thi tự luận sang thi trắc nghiệm môn Toán...

Các nghiên cứu đánh giá khoa học, hệ thống, chính thức về thi tự luận và thi trắc nghiệm cần được công bố rộng rãi để nhân dân biết, hiểu, và hy vọng được họ ủng hộ. Việc chuyển đổi ngay khi chưa có các thông tin cần thiết này, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, cũng như chưa dành một thời gian đủ lớn để xử lý các vấn đề tồn đọng sẽ tạo thành mối quan ngại lớn, gây xáo trộn trong việc học tập của học sinh, trong tâm lý của phụ huynh học sinh, và có thể gây hoang mang trong toàn xã hội.

Năm 2017, nhiều khả năng hầu hết các trường đại học (trừ số ít các trường năng khiếu như nghệ thuật, thể thao...) sẽ vẫn sử dụng kết quả kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia để tuyển sinh vào đại học và cao đẳng, mà không tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Thi trắc nghiệm (môn Toán), đặc biệt ở đặc thù hiện nay của Việt Nam, chưa có khả năng phân loại cao. Việc sử dụng kết quả của nó để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng là một điều đáng lo ngại, có nhiều khả năng gây mất công bằng cho thí sinh.

Từ những phân tích nêu trên, BCH Hội Toán học Việt Nam đề nghị Bộ GD&ĐT hoãn việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan, tiếp tục thi tự luận đối với môn Toán trong kì thi xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học và Cao đẳng năm 2017.

Theo đó, tiến hành những nghiên cứu hệ thống, khoa học; bao gồm:

- Tổ chức các Hội thảo quốc gia nhằm phân tích những luận cứ khoa học của việc nên hay không nên thi trắc nghiệm môn Toán; đánh giá hiệu quả thực tiễn của kì thi trắc nghiệm Toán tại một vài nơi của Việt Nam trong những năm qua.
- Trên cơ sở kết quả các Hội thảo quốc gia, sẽ quyết định có nên chuyển đổi thi môn toán từ tự luận sang trắc nghiệm hay không. Trong trường hợp giả định có chuyển đổi, cần một thời gian chuẩn bị hợp lý.

Đồng thời, BCH Hội Toán học Việt Nam đề nghị có cuộc đối thoại giữa các cấp lãnh đạo có quyền ra quyết sách và BCH Hội nhằm mục tiêu cao nhất là các đổi mới trong kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia nói riêng, và trong giáo dục Việt Nam nói chung, luôn đạt được sự đồng thuận xã hội, và hứa hẹn thành công, đáp ứng mục tiêu giáo dục và nguyện vọng của tất cả học sinh, của mỗi gia đình, nhà trường, và của toàn xã hội.

Hồng Hạnh

Tag :thi trắc nghiệm, bộ trưởng bộ giáo dục, Phùng Xuân Nhạ, Bộ Giáo dục, tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, phụ huynh học sinh

ĐH Tây Nguyên nghiêm cấm sinh viên chơi Pokemon Go trong trường

Ngày 24/9, ông Nguyễn Đức Vinh - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết sau khi nhận được chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm cấm chơi Pokemon Go trong trụ sở cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh.

Đắk Lắk nghiêm cấm mọi hành vi chơi Pokemon Go tại cơ quan, trường học (ảnh minh hoạ)
Đắk Lắk nghiêm cấm mọi hành vi chơi Pokemon Go tại cơ quan, trường học (ảnh minh hoạ)

Trước đó, ngày 16/9/2016, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành văn bản số 397 về việc nghiêm cấm sử dụng trò chơi Pokemon Go trong trụ sở cơ quan, đơn vị và giao các cơ quan này đã triển khai thực hiện việc này.

Tại trường Đại học Tây Nguyên, PGS.TS Nguyễn Tấn Vui - Hiệu trưởng nhà trường đã ký văn bản số 1764 về việc nghiêm cấm sử dụng trò chơi Pokemon Go tại trường. Trong văn bản cho biết, đã có những cảnh báo về tác hại nguy hiểm của trò chơi Pokemon Go đối với người chơi, như: dễ gây tai nạn giao thông do người chơi phải di chuyển thường xuyên và nhìn vào màn hình thiết bị chơi nên không thể quan sát được tình hình giao thông; đi vào những nơi ít người nên dễ bị cướp giật; người chơi có thể bị mất tài sản hoặc lộ thông tin cá nhân… mà không được đảm bảo. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến sức khỏe, hiệu quả công việc của đảng viên, cán bộ, viên chức, người lao động và kết quả học tập của học sinh, sinh viên.

Trong văn bản cũng nêu rõ hình thức xử lý, nếu Đảng viên, cán bộ, viên chức, người lao động chơi trò chơi Pokemon Go sẽ bị xem xét kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên. Đối với học sinh sinh viên sẽ xem xét đánh giá xếp loại điểm rèn luyện năm học, toàn khóa học hoặc xử lý kỷ luật từ mức khiển trách đến bị dừng học tùy vào mức độ vi phạm.

Thúy Diễm

Tag :chơi trò chơi, pokemom, tai nạn giao thông

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

GS Ngô Bảo Châu: Một số nước có xu thế thi trắc nghiệm Toán

Sáng ngày 11/9, GS Ngô Bảo Châu và TS Nguyễn Đức Thành đã có buổi trò chuyện xoay quanh cuốn sách "Tình yêu và toán học" của Edward Frenkel mà GS Ngô Bảo Châu trực tiếp viết lời giới thiệu.

Mỹ đã thi trắc nghiệm Toán

Cùng với câu hỏi về sách và văn hóa đọc sách, GS Ngô Bảo Châu cũng chia sẻ về tình yêu với Toán học. Một độc giả trẻ đặt câu hỏi: “Hồi cấp 2, GS có học cực giỏi Toán không? GS có bí quyết học Toán như thế nào?”, GS Châu dí dỏm cho biết, ông giỏi hay không tùy lúc.

GS Ngô Bảo Châu và TS Nguyễn Đức Thành tại buổi nói chuyện (ảnh: Mỹ Hà)
GS Ngô Bảo Châu và TS Nguyễn Đức Thành tại buổi nói chuyện (ảnh: Mỹ Hà)

Vào năm lớp 6 tôi không được giỏi lắm. Trước đó, tôi học trường thực nghiệm và bố mẹ muốn đưa tôi ra học trường khác. Thú thực, lúc đó tôi học hơi đặc biệt, biết mỗi thứ một ít và tự tin, vui vẻ, khám phá. Khi lên cấp hai, tôi thi vào chuyên Toán thì bị trượt.

Tôi không biết mình có giỏi hay không nhưng lúc nào tôi cũng cực kì “máu”. Và càng học càng cảm thấy mình kém, càng học càng thấy... sướng. Tôi còn nhớ lúc học lớp 6, ngoài việc đi học thêm, tôi có vài quyển sách. Lúc đầu không làm được bài nào cả, tôi ức ghê lắm. Một bài toán trông rất đơn giản nhưng một tiếng cũng giải không được, hai tiếng cũng không được. Đến lúc nản quá, phải len lén mở trang cuối xem lời giải thế nào”, GS Châu nhớ lại.

GS Ngô Bảo Châu cũng chia sẻ thêm, cứ mỗi lần ấm ức vì không giải được, giúp ông có thể học giỏi hơn. Ông nhớ có lần một người bạn cho 3 cuốn sách. Cuốn đầu tiên là Định lý hình học và các biện pháp chứng minh”, ông phải "chiến đấu" đến 6 tháng trời. Mỗi lần cố làm không được, cậu bé lại lén xem lời giải như kiểu lén “quay cóp”. Cứ như thế trong vòng 6 tháng trời mới xong.

GS Ngô Bảo Châu kí sách tặng người hâm mộ (ản Mỹ Hà)
GS Ngô Bảo Châu kí sách tặng người hâm mộ (ản Mỹ Hà)

Sau cuốn đó, hai cuốn còn lại là “Dựng hình”, được ông đọc trong vòng 2 tuần. Và cuốn cuối cùng thì trong 1 tuần là xong. “Như vậy, sau khi tự luyện một cách nghiêm túc, luôn cảm thấy mình dốt thật thì tôi mới tiến bộ được. Nhờ lúc nào cũng có sự nhiệt huyết như vậy nên lên lớp 7, lớp 8, tôi đã học tốt tất cả các môn, trong khi trước đó, vào năm lớp 6 và lớp 7 tôi đã rất vất vả”, GS Châu kể.

Trao đổi về câu hỏi: "Toán là một môn học tinh hoa và tinh hoa đó thể hiện qua các bài giải thông minh tinh tế. Tuy nhiên, Dự thảo thi 2017 vừa được Bộ GD&ĐT công bố cho thấy, dự kiến môn Toán sẽ thi trắc nghiệm. Quan điểm của ông về điều này ra sao?", GS Ngô Bảo Châu cho hay: "Tôi không dám phát biểu về điều này bởi tôi chưa nghiên cứu kĩ lắm.

Thực ra, từ xưa đến nay, việc thi Toán ở Việt Nam hoặc nhiều nước chủ yếu vẫn là thi viết, có tính toán, có một chút chứng minh dù không nhiều lắm.

Tuy nhiên, gần đây xu thế một số nước như Mỹ chẳng hạn, đã thi Toán bằng phương pháp trắc nghiệm. Cá nhân tôi, khi xem xét nếu thi trắc nghiệm thì thấy hơi dở. Vì thế tôi cần có những xem xét kĩ càng và thấu đáo hơn trước khi phát biểu về vấn đề này".

Chia sẻ riêng với PV Dân trí, GS Châu cũng cho biết, ông cần tìm hiểu thấu đáo hơn về vấn đề này. Đặc biệt, đã có nhiều ý kiến liên quan đến việc thi trắc nghiệm Toán nên ông không nói lại nữa.

Nhiều độc giả nhỏ tuổi chờ đợi được GS Châu kí tặng (ảnh Mỹ Hà)
Nhiều độc giả nhỏ tuổi chờ đợi được GS Châu kí tặng (ảnh Mỹ Hà)

"Khi tôi kém dễ thương nghĩa là đang thiếu Toán"

Cũng trong khuôn khổ buổi trò chuyện, hai diễn giả đã kể về niềm đam mê toán học, giới thiệu một số đầu sách về khoa học theo hướng mới, đặc biệt là “bộ tứ” triết học "Làm quen triết học qua biếm họa", "Làm quen kinh tế học qua biếm họa - Kinh tế vi mô", "Làm quen kinh tế học qua biếm họa - Kinh tế vĩ mô", "Làm quen thống kê qua biếm họa", cũng như phân tích tác dụng của nó với độc giả.

Buổi trò chuyện đã thu hút nhiều độc giả với đủ lứa tuổi tham gia. Theo GS Ngô Bảo Châu, nếu đọc hết cả 4 cuốn sách trên đây, chính là chương trình triết học của một sinh viên đại học, được biểu hiện qua hình thức truyện tranh. Tuy nhiên, cũng giống như công trình đoạt giải Fields của ông, để diễn giải ra sẽ rất khó vì nó chỉ như một mảnh ghép trong một tòa lâu đài. Chúng ta sẽ rất khó trình bày một mảnh ghép nếu không mô tả cả ngôi nhà đó.

GS Châu giữa vòng vây của người hâm mộ (ảnh: Mỹ Hà)
GS Châu giữa vòng vây của người hâm mộ (ảnh: Mỹ Hà)

Trả lời câu hỏi về văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay, GS Châu cho biết, mỗi lứa tuổi đọc một loại sách khác nhau. “Tôi không thích từ “định hướng” bởi đọc sách bổ ích không có nghĩa là đọc sách quá nhiều, phải đặt ra chỉ tiêu mỗi tuần bao nhiêu cuốn sách. Tôi nghĩ, đọc sách bổ ích là phù hợp với tâm tư, tâm trạng và trả lời được những câu hỏi mà người ta đang suy tư đến. Việc đọc không đơn thuần là thu nhập kiến thức mà phải trả lời được câu hỏi nội tại của bản thân mình”, GS chia sẻ.

Một độc giả đến từ miền Nam và là “fan” ruột của GS Ngô Bảo Châu đặt câu hỏi: “Liệu Toán học và tình yêu có liên quan đến nhau không, thưa GS?”.

GS Châu cho hay, trải qua 2.400 năm lịch sử, người ta cố tìm ra định nghĩa tình yêu nhưng không tìm được. Ông lý giải: “Tôi nghĩ, những biểu hiện thường thấy của tình yêu: Khi gặp thì vui và không gặp thì nhớ nhung cũng giống hệt với yêu Toán. Trong 2 tháng trở về Việt Nam, do công việc và bận bịu, tôi ít thời gian làm Toán nên cảm thấy nhớ Toán kinh khủng.

Tôi muốn chia sẻ với các bạn một điều, khi thấy tôi khó chịu hoặc kém dễ thương, nghĩa là lúc đó tôi đang thiếu Toán. Và nếu đẩy sự mong muốn này quá lên nữa thì tôi chỉ muốn... đánh nhau. Còn khi tôi đang làm toán, cảm giác thật dễ chịu như gặp một người yêu hoặc người bạn cũ”.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)

Tag :thi trắc nghiệm, GS Ngô Bảo Châu, buổi nói chuyện, Văn hóa đọc

Giáo sư Vũ Đình Cự - “Nhà thông thái” của giới khoa học Việt Nam

Lần đầu tiên, tôi được biết tên tuổi của Giáo sư Vũ Đình Cự (1936-2011) cách đây đã 43 năm. Một buổi chiều mùa hè năm 1973, khi tôi thi đỗ vào trường Cấp III Thị xã Thái Bình (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn), anh trai tôi, một cựu sinh viên Đại học Bách khoa đã rất đỗi vui mừng. Hôm đó, anh kể cho tôi nghe rất nhiều về GS Vũ Đình Cự, người con của quê hương Thái Bình chúng tôi với niềm tự hào khôn tả. Anh kể cho tôi nghe về những thành tựu to lớn trong lĩnh vực khoa học và cả thành tựu Giáo sư đóng góp trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thật tình khi đó, tôi không biết và cũng không nhớ nhiều về những gì anh tôi nói bởi trong tôi, lâng lâng một cảm giác tự hào vì một điều chẳng dính gì đến khoa học, đó là GS Vũ Đình Cự chính là em trai của Thầy giáo hiệu trưởng Vũ Huy Hồi của chúng tôi.

Sau này khi lên Hà Nội, nhờ có lần được gặp ông và qua sưu tầm tài liệu, tôi mới biết đôi nét về vị giáo sư, nhà vật lý lừng danh này. Đặc biệt là từ những câu chuyện, bài viết của nhà báo Võ Đăng Thiên, Tổng Biên tập báo Bưu điện Việt Nam - Infonet, người đã có nhiều năm làm thư ký cho GS. Vũ Đình Cự khi ông là Phó Chủ tịch Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc dâng hương trước bàn thờ cố GS Vũ Đình Cự ngày 10/9/2016.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc dâng hương trước bàn thờ cố GS Vũ Đình Cự ngày 10/9/2016.

Nhà khoa học hàng đầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội

GS Vũ Đình Cự sinh ngày 15 tháng 2 năm 1936 tại xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình trong một gia đình nông dân khá giả, có nghề làm thuốc gia truyền. Năm 1951, ông theo học dự bị đại học ở Thanh Hóa. Từ năm 1954 đến năm 1956, ông học khoa Vật lý, khóa đầu tiên của Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi nhận bằng tốt nghiệp đại học cũng là lúc Trường Đại học Bách khoa thành lập, ông là một trong 8 cán bộ vật lý đầu tiên về trường dạy vật lý đại cương và xây dựng tổ chuyên môn vật lý.

Năm 1962, ông được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh về Vật lý chất rắn tại Đại học Lomonosov. Năm năm sau (1967), ông bảo vệ thành công luận án và trở thành Tiến sĩ Khoa học đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp tại trường đại học danh giá này.

Từ năm 1967, ông giảng dạy tại Đại học Bách khoa Hà Nội và lần lượt đảm nhiệm các vị trí Chủ nhiệm Bộ môn Vật lý chất rắn, Tổ trưởng tổ nghiên cứu phá bom từ trường thủy lôi của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp; Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Viện trưởng Viện công nghệ Quốc gia, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, chủ nhiệm chương trình nghiên cứu điện tử của nhà nước, Chủ tịch Hội đồng KH-KT TP Hà Nội…

Năm 1980, ông được công nhận học hàm Giáo sư. Tháng 6 năm 1991, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 7, ông được bầu vào Ban chấp hành TW Đảng.

Năm 1992, ông là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ- Môi trường của Quốc hội, Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu điện tử viễn thông của Nhà nước. Năm 1994 ông giữ chức Phó Trưởng ban khoa giáo TW và đến tháng 6 năm 1996, tại Đại hội Đại biểu lần thứ 8, ông lại được bầu vào Ban chấp hành TW Đảng.

Tháng 9 năm 1997, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 10, ông được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN và Môi trường của Quốc hội. Ông là Đại biểu Quốc hội khoa VII, VIII, IX, X.

Trong cuộc đời khoa học của GS Vũ Đình Cự, ngoài những thành tựu về nghiên cứu, phát triển bộ môn Vật lý chất rắn cũng như đào tạo các thế hệ sinh viên và cả giảng viên trẻ, không thể không nhắc đến một công trình khoa học mang tính lịch sử, góp phần to lớn vào công cuộc thống nhất đất nước. Đó là công trình Phá thủy lôi và bom từ trường của Mỹ trong chiến dịch phong tỏa cảng Hải Phòng mà ông là một trong những tác giả chính.

Toàn cảnh khu nhà tưởng niệm Giáo sư Vũ Đình Cự ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Toàn cảnh khu nhà tưởng niệm Giáo sư Vũ Đình Cự ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Nhà báo Võ Đăng Thiên kể lại, vào một ngày trong tháng 8 năm 1972, GS Vũ Đình Cự được Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu gọi lên phòng làm việc. Tại buổi gặp, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã giao cho Vũ Đình Cự một nhiệm vụ quan trọng: biệt phái sang Bộ Giao thông - Vận tải làm thành viên của Tiểu ban rà phá bom mìn, thủy lôi với nhiệm vụ cụ thể là vận dụng các kiến thức đã nghiên cứu được, phối hợp với một số đồng nghiệp ở Đại học Bách khoa và các cán bộ của Bộ Giao thông Vận tải thành lập một tổ đặc nhiệm gọi tắt là GK1 (viết tắt của từ Giao thông - Bách khoa) để nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật cao để rà phá bom, mìn, thủy lôi hiệu quả, bảo đảm tránh thương vong cho các lực lượng làm nhiệm vụ, góp phần đập tan âm mưu phong tỏa miền Bắc bằng bom, thủy lôi từ trường của kẻ thù.

Đó là thời điểm mà Tổng thống Mỹ Nixon và ê kíp đang ráo riết thực hiện kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, cuộc đàm phán Paris về chiến tranh Việt Nam đang đi đến giai đoạn quan trọng. Vì vậy, Nixon rất muốn tung những đòn quyết định trên chiến trường để buộc ta phải nhượng bộ trên bàn đàm phán. Một trong những đòn đó là cho máy bay thả bom từ trường và thủy lôi dày đặc tại cảng Hải Phòng và tất cả các cửa sông, luồng lạch và các huyết mạch giao thông khác hòng làm tê liệt hệ thống giao thông thủy bộ của ta.

Ngày 9/5/1972, Nixon tuyên bố cuộc phong tỏa miền Bắc đồng thời ra lệnh cho máy bay ồ ạt thả bom từ trường và thủy lôi từ tính, trong đó có loại bom/thủy lôi từ trường mới nhất với cơ chế gây nổ gây nổ thông minh bằng thiết bị kỹ thuật số được quân đội Mỹ đặt cho cái tên: Kẻ hủy diệt (Destructor - DST). Việc rà phá bom, mìn, thủy lôi đã được các đơn vị quân đội và giao thông thực hiện từ cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1964 - 1968) cho đến thời điểm đó với nhiều chiến công to lớn với nhiều sáng kiến và kinh nghiệm quý báu. Tuy nhiên, với việc quân đội Mỹ huy động cả bộ máy khoa học công nghệ khổng lồ của họ không ngừng nghiên cứu, cải tiến để cho ra đời những loại bom, mìn, thủy lôi mới ngày càng hiện đại, thông minh, thì việc rà phá càng trở nên khó khăn và nguy hiểm, phải chịu thương vong lớn.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thời điểm đó là Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ đặt vấn đề với Bộ trưởng Đại học và Trung học Tạ Quang Bửu, cùng báo cáo xin ý kiến Ban Bí thư và được Ban Bí thư đồng ý chủ trương huy động các nhà khoa học vào cuộc để cùng với ngành giao thông thực hiện việc rà phá bom, mìn, thủy lôi với nhiệm vụ nghiên cứu, tìm ra các giải pháp rà phá hiệu quả và đặc biệt là tránh được thương vong cho các lực lượng làm nhiệm vụ. Đó là chính là lý do ra đời của Tổ đặc nhiệm GK1 (sau đó còn có thêm GK2, GK3).

Nhận nhiệm vụ, Vũ Đình Cự cùng các đồng nghiệp ở Đại học Bách khoa và Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương bắt tay vào công việc trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn của thời chiến. Được sự hỗ trợ đắc lực của các đơn vị thuộc ngành giao thông, đặc biệt là sự hỗ trợ của Trung tâm máy tính điện tử (duy nhất lúc đó ở miền Bắc) của Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước và sử dụng cả các thiết bị nghiên cứu mới nhất vừa được Liên Xô viện trợ cho Trường Bách khoa, trong một thời gian ngắn, tổ GK1 đã “mổ phanh” 1 quả DST được đưa từ Hải Phòng về Hà Nội để tìm ra cơ chế gây nổ tinh vi của nó, đồng thời, tổ chức nghiên cứu thực nghiệm tại Hải Phòng và sân bóng Đại học Bách khoa.

Từ đó, GK1 đã chế tạo thành công một thiết bị phá bom, thủy lôi từ trường tự động (như robot), có thể “lừa” được những loại bom, thủy lôi từ trường mới nhất của Mỹ lúc đó, khiến chúng phát nổ mà không gây thương vong cho cho các lực lượng rà phá. Thiết bị đó nhanh chóng được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả lớn trong việc rà phá bom, thủy lôi từ trường, tránh được thương vong ở cảng Hải Phòng và nhiều nơi khác, góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân ta trong việc phá tan âm mưu phong tỏa miền Bắc của Mỹ những năm 1972 - 1973.

Trong quá trình tổ GK1 thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, 2 Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ và Tạ Quang Bửu thường xuyên quan tâm, động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tổ làm việc. Bộ trưởng Tạ Quang Bửu gần như hằng ngày đều tranh thủ xuống gặp anh em GK1, hỏi han, trao đổi, động viên, thậm chí là cùng tranh luận những vấn đề khoa học nảy sinh. Cuối tháng 11/1972, sau khi nghe báo cáo về những kết quả bước đầu đáng phấn khởi trong việc triển khai kết quả nghiên cứu của tổ GK1, Bộ trưởng Phan Trong Tuệ đã chỉ đạo tổ chức một cuộc trưng bày nhằm báo cáo với các cấp lãnh đạo về kết quả rà phá thủy lôi từ tính và bom từ trường tránh được thương vong của GK1.

Các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước lúc đó như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Đỗ Mười và một số đồng chí lãnh đạo khác: Đinh Đức Thiện, Trần Đại Nghĩa… đều đến thăm triển lãm, nghe anh em GK1 giới thiệu về kết quả nghiên cứu và cho nhiều ý kiến khen ngợi, động viên kịp thời. Sau này, kết quả nghiên cứu GK1 còn được phát triển để rà phá bom mìn trên các tuyến đường bộ, đặc biệt là trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.

Với những thành tích vừa nêu, Vũ Đình Cự và các thành viên tổ GK1 đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Chiến công. Tổ GK1 được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996) lĩnh vực khoa học - công nghệ cùng với các lực lượng khác trong công trình phá thủy lôi từ tính và bom từ trường, bảo đảm giao thông thời chống Mỹ.

Với vốn ngoại ngữ phong phú, có thể sử dụng thành thạo 3 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Vũ Đình Cự cũng đi sâu nghiên cứu các vấn đề về triết học và kinh tế chính trị với nhiều phát hiện mới mẻ. Có thể nói rằng, hiếm có nhà khoa học nào có thể cùng lúc đạt được đỉnh cao tri thức ở cả 2 lĩnh vực: khoa học tự nhiên và khoa học xã hội như Vũ Đình Cự. Một vị bộ trưởng khi trò chuyện với tôi đã gọi ông là “nhà thông thái”.

Kỉ niệm nhỏ với một nhà khoa học lớn

Lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi được gặp GS Vũ Đình Cự cách đây tròn 15 năm (2001), khi ông là Phó Chủ tịch Quốc hội trong buổi hội thảo về qui định viết hoa trong các văn bản do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì.

Sau buổi hội thảo, tôi đã chủ động đến gặp ông và khi giới thiệu xã tôi ở gần xã của ông, ông rất vui, nhất là khi biết tôi là học trò của nhà giáo Vũ Huy Hồi, anh trai ông.

Bữa đó, ông đã kể rất say sưa và đầy tự hào về người anh của mình và sau đó, chẳng hiểu sao, câu chuyện chuyển hướng áng lĩnh vực văn chương. Và ông đã làm tôi vô cùng bất ngờ trước sự am tường cũng như sức đọc khủng khiếp nơi ông. Ông nói về nền văn học Pháp, văn học Anh, văn học châu Mỹ la tinh và đặc biệt là văn học nước Nga Xô viết. Ông nói về các nhà thơ cổ đại Trung Quốc như Khuất Nguyên, Bạch Cư Dị và truyện Kiều của Nguyễn Du đến phong trào Thơ mới.

Tôi còn ngạc nhiên hơn, cho đến khi đó và suốt cuộc đời mình, ông chọn cuộc sống độc thân. Nhà báo Võ Đăng Thiên kể lại: “Hầu hết những người quen biết Vũ Đình Cự đều biết ông chọn cuộc sống độc thân, không lấy vợ. Gần ông, tôi hiểu ông là người có thiên hướng sống cô đơn, thanh bạch, giản dị, thậm chí hơi thoát tục. Niềm vui, niềm say mê lớn nhất của ông là công việc, là đọc sách, vào Internet tìm tư liệu, nghiên cứu, viết sách, viết báo. Còn những nhu cầu vật chất trần tục, đối với ông, lại không đáng để quan tâm.

Cho đến lúc qua đời, ông vẫn sống ở căn hộ tập thể 32m2 ở khu Bách khoa mà ông được phân từ năm 1976. Có lần, ông kể chuyện vui với tôi (Võ Đăng Thiên - PV), trong thời gian ông làm Viện trưởng Viện Công nghệ quốc gia, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đặt vấn đề hợp tác làm ăn. Có một đoàn doanh nghiệp Mỹ sang làm việc với ông, đến lúc ăn trưa, tay trưởng đoàn hỏi ông: “Mr. Cự, ông có thích nhiều tiền không?”, ông trả lời: “Nếu kiếm nhiều tiền cho đất nước tôi thì tôi rất thích nhưng cho cá nhân tôi thì không cần. Đối với tôi, nhiều tiền chỉ phức tạp”. Tay người Mỹ cười: “Nếu thế thì tôi rất khó hợp tác với ngài”.

Những năm cuối đời, có một giai đoạn mà GS Vũ Đình Cự rất suy sụp. Đó là người cháu Vũ Hoàng Huy gọi ông là chú ruột (con trai Nhà giáo Vũ Huy Hồi) được ông coi như con, từng tham gia đội tuyển thi Olympic Toán Quốc tế bị tai nạn giao thông khi vừa bước sang tuổi 23. Có lẽ do Huy là người cháu mang đậm tố chất của một nhà khoa học mà ông dày công vun đắp để mong kế tiếp sự nghiệp khoa học của mình.

GS Vũ Đình Cự mất ngày 7/9/2011 ở tuổi 75. Những công trình khoa học, sự cống hiến và tấm gương tận tụy, dành trọn cuộc đời mình cho khoa học của ông sẽ còn mãi với thời gian.

Đông đảo nhân dân đến dự lễ khánh thành nhà tưởng niệm.
Đông đảo nhân dân đến dự lễ khánh thành nhà tưởng niệm.

Gần đây, gia đình ông đã tổ chức xây ngôi nhà tưởng niệm ông ở chính nơi ông đã sinh ra. Tại buổi lễ khánh thành (ngày 10/9/2016), nhiều nhà khoa học, các vị lãnh đạo của Quốc hội, tỉnh Thái Bình và đông đảo nhân dân địa phương đã tham dự trong niềm tự hào về một nhà khoa học hàng đầu, một nhân cách lớn của quê hương.

Bùi Hoàng Tám

Tag :Giáo sư Vũ Đình Cự, đại học Bách khoa, Thái Bình, Vật lý

Giáo sư Việt tại Mỹ: Thi trắc nghiệm THPT quốc gia cần chuẩn bị kỹ lưỡng khâu ra đề thi

Thi trắc nghiệm đòi hỏi ở thí sinh một số kỹ năng mới

Trước phương án thi 2017 Bộ GD&ĐT vừa công bố, giáo viên, phụ huynh và cả học sinh có nhiều băn khoăn về mức độ đánh giá năng lực, tính khả thi của việc áp dụng thi trắc nghiệm 100%, đặc biệt là đối với môn Toán và tổ hợp Khoa học tự nhiên (các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học).

Với kinh nghiệm gần 20 năm giảng dạy tại nước ngoài, GS Toán học hàng đầu thế giới Vũ Hà Văn (hiện đang giảng dạy tại Đại học Yale, Mỹ) khẳng định, thi trắc nghiệm đòi hỏi ở thí sinh một số kỹ năng mới, khác với cuộc thi truyền thống.

“Chẳng hạn, thay bằng giải tìm ra lời giải chính xác, nhiều khi chỉ cần ước lượng là đủ. Ví dụ có 4 câu trả lời là: A (0), B(1), C(2), D(3). Nếu thí sinh ước lượng được đáp số là giữa 1.5 và 2.5, thì lời giải đúng là C, không cần phải giải bài toán một cách chính xác (một việc làm có thể tốn nhiều thời gian hơn)”, ông nói.

GS Vũ Hà Văn - ĐH Yale, Mỹ

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi mới, một luồng ý kiến quan ngại rằng, nếu thi trắc nghiệm Toán học, thứ tự trình bày lời giải bài toán được thay bằng “thủ thuật” làm sao tốn ít thời gian để có kết quả nhanh nhất làm như vậy mất đi tính sư phạm của nền giáo dục. Nói về vấn đề này, GS Vũ Hà Văn đánh giá: “Kỹ năng loại bỏ những lời giải trông quá vô lý cũng quan trọng, vì khi bài toán quá khó, thí sinh phải đoán, thì ít nhất cũng tăng được khả năng đoán trúng một cách đáng kể. Các kỹ năng này trong cuộc sống quan trọng không kém kỹ năng giải được bài toán một cách trọn vẹn”.

“Mặc khác thi trắc nghiệm có lợi thế là tổ chức và chấm thi đơn giản gọn nhẹ, tránh sai sót. Thi trắc nghiệm rất thông dụng ở Mỹ, chẳng những trong những cuộc thi đại trà như SAT, mà cả trong rất nhiều cuộc thi cho học sinh năng khiếu”, GS Văn chia sẻ.

Công bằng và khách quan, tiêu chí hàng đầu của kỳ thi năng lực quốc gia

Theo GS.TS hóa học Trương Nguyện Thành, giảng dạy và nghiên cứu tại trường Đại học Utah (Mỹ), đồng thời là Viện trưởng Khoa học Viện Khoa học và Công nghệ tính toán, TP. HCM thì mỗi phương án thi (trắc nghiệm, tự luận) đều có ưu, khuyết điểm riêng. Tuy nhiên, áp dụng cho kỳ thi THPT cấp quốc gia với số lượng rất lớn thí sinh thì tiêu chuẩn quan trọng nhất để lựa chọn phương án nào là tính công bằng và khách quan.

GS.TS Trương Nguyện Thành phân tích: “Nếu lời giải cho câu hỏi chỉ có đúng hoặc sai, đồng nghĩa với được trọn điểm hoặc điểm 0 thì có tính khách quan. Còn nếu lời giải có thể có một phần số điểm tối đa và có nhiều người chấm bài thì khó đảm bảo tính công bằng và khách quan. Do đó các cuộc có số lượng lớn thí sinh ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới đều dùng phương án trắc nghiệm. Phương án trắc nghiệm không những dùng cho những cuộc thi cấp quốc gia mà còn thường dùng cho các lớp ở Đại học có lượng lớn sinh viên. Ví dụ, lớp Hóa đại cương với 300 sinh viên thì tôi phải phải cho thi trắc nghiệm còn lớp Hóa - Lý trình độ cao học với 20 sinh viên thì dùng phương án “giải bài”.

Có nguy cơ “thất bại” nếu không chuẩn bị kỹ về đề thi

Đều đồng tình rằng phương án thi trắc nghiệm có những ưu điểm không thể phủ nhận cũng là hình thức phổ biến của nhiều cuộc thi đánh giá năng lực quy mô lớn tại Mỹ và nhiều nền giáo dục tiên tiến, song cả hai vị giáo sư gốc Việt cũng nhận định về những khó khăn và nguy cơ “thất bại” của phương án này nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng đặc biệt ở khâu ra đề thi.

GS Vũ Hà Văn nhấn mạnh: “Cái khó đầu tiên của việc tổ chức thi trắc nghiệm ở Việt Nam, theo tôi, là khâu ra đề. Đây là cả một ngành công nghiệp, và ở Mỹ có những trung tâm lớn chuyên sản xuất đề bài cho các cuộc thi trắc nghiệm, sao cho nó phủ được những kiến thức cơ bản nhất học sinh cần có, mà vẫn đòi hỏi thí sinh một khả năng tư duy nhất định, tránh được nạn học vẹt. Sẽ rất khó tổ chức thành công thi trắc nghiệm, nếu không có sự chuẩn bị đáng kể về mặt này”.

GS.TS Trương Nguyện Thành đóng góp: “Để cho đề thi trắc nghiệm THPT đạt được yêu cầu thì mỗi môn cần có đội ngũ chuyên nghiệp đưa ra tiêu đề đánh giá. Danh sách tiêu đề (learning objectives) là những kiến thức cần thiết mà học sinh cần biết và danh sách này được phổ biến rộng rãi. Từ đó thiết kế câu hỏi và những câu trả lời làm sao để có thể phân biệt trình độ của thí sinh.

GS.TS Trương Nguyện Thành - ĐH Utah, Mỹ.

Thí dụ, một câu hỏi trắc nghiệm có 4 câu trả lời thì trong đó có 1 câu trả lời rất dễ để thấy nó sai với một ít kiến thức, một câu trả lời hơi có lý nhưng sai hoặc thói quen sai lầm, 2 câu trả lời rất gần nhau và có thể đều đúng và đòi hỏi thí sinh phải suy nghĩ kỹ lưỡng và có lập luận chặt chẽ để chọn câu trả lời chính xác nhất”.

Do đó, theo GS.TS Trương Nguyện Thành, việc thiết kế bài thi trắc nghiệm để có thể đánh giá lập luận cũng như khả năng phân tích khó hơn nhiều lần so với đề thi theo dạng ra đề bài. Do đó, khi mới chuyển sang thi trắc nghiệm thì chất lượng câu hỏi có thể chưa được tốt lắm. Với thời gian, khi đã có kho câu hỏi chất lượng và kinh nghiệm của đội ngũ thiết kế bài thi cao thì phương án trắc nghiệm cho các kỳ thi lớn vẫn là phương án tốt nhất.

“Nhiều phê bình cho rằng thi trắc nghiệm khó đánh giá được khả năng giải quyết vấn đề. Phê bình này chỉ đúng một phần. Như giải thích ở trên, thiết kế những câu trả lời rất quan trọng trong việt đánh giá khả năng này. Nếu thí sinh giải quyết và lập luận đúng thì có câu trả lời đúng.

Đương nhiên tổ chức cuộc thi cấp quốc gia theo phương án nào cũng có khó khăn riêng của nó. Thi trắc nghiệm trên máy vi tính qua mạng thì cũng sẽ có những khó khăn riêng như bảo mật kho câu hỏi và khả năng thí sinh dùng những công nghệ di động để quay chép câu hỏi. Tuy nhiên những khó khăn này có thể khắc phục được.

Thêm nữa, cần có lộ trình phát triển phương án này rõ ràng và chu đáo. Thí dụ thiết kế hệ thống, cho thí điểm nhiều nơi và mô phỏng lượng truy cập, v.v. để đảm bảo hệ thống hoạt động tốt khi triển khai vào thực tế”, GS.TS Trương Nguyện Thành nhận định.

Lệ Thu

Mọi ý kiến đóng góp về giáo dục tới báo Dân trí, xin gửi về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Trân trọng cám ơn!

Tag :thi trắc nghiệm, Đại học Yale, Đại học Utah, đánh giá năng lực, đề thi trắc nghiệm, tổ chức cuộc thi, câu trả lời đúng

Tình yêu đặc biệt với môn Văn của nữ thủ khoa trường Sư phạm

Hoạt động và thành tích nổi bật

- Là Phó Bí thư Liên chi đoàn khoa Ngữ văn; Bí thư Chi đoàn CLCK62 khoa Ngữ văn

- Nhận học bổng loại Giỏi và Xuất sắc liên tục trong 8 kỳ học

- Bằng khen Sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc – thủ khoa khóa học 2012-2016 trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

- Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học năm 2014 – 2015”, năm 2012 – 2013

- Danh hiệu sinh viên 5 tốt; chứng nhận gương sinh viên 5 rèn luyện cấp trường năm 2015

- Giải thưởng 26/3 cho cán bộ Đoàn “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường Đại học Sư phạm Hà Nội” năm 2015

- Giải thưởng Sinh viên tài năng cho sinh viên “Đã có thành tích xuất sắc trong học tập và tu dưỡng năm học 2012-2013”

- Giấy khen của BCH HSV trường “Đã có đóng góp tích cực trong công tác Hội và phong trào sinh viên trường năm học 2012-2013”

- Giấy khen của BCH Đoàn trường “đã có thành tích xuất sắc trong công tác tháng Thanh niên năm học 2012-2013”

Là SV lớp chất lượng cao khoa Ngữ văn - ĐH Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Thanh Nguyệt từng nhận học bổng loại giỏi và xuất sắc trong suốt 8 kỳ học thời sinh viên.

Là SV lớp chất lượng cao khoa Ngữ văn - ĐH Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Thanh Nguyệt từng nhận học bổng loại giỏi và xuất sắc trong suốt 8 kỳ học thời sinh viên.

Tình yêu với môn Văn và nghề giáo

Học chuyên Văn thời phổ thông nên Nguyệt tiếp tục gắn bó môn học này trong 4 năm đại học. Thanh Nguyệt cho biết: “Lúc đó, em cảm thấy nếu không học Văn thì có cảm giác sẽ bỏ lỡ gì đó, sẽ phải tiếc nuối.

Môn Văn cho em không gian để sống và viết với những suy nghĩ của mình. Em không muốn làm việc gì đó quá gấp gáp, và Văn có lẽ là một trong những môn học khiến con người nhận ra đời sống có sự tĩnh tại, có những khoảng đáng nghĩ ngợi...

Trong 4 năm đại học, em rất biết ơn, vì đã được gặp gỡ thầy cô, bạn bè, sẵn sàng ngồi lại để nói về những điều chẳng ai nói, về những điều đọc được, phát hiện được, về những nỗi buồn chán và về cả niềm vui”,

Để có thể sống trọn vẹn với Văn học, Nguyệt chọn ngành Sư phạm và nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo. Theo Nguyệt, nghề giáo viên nhiều vất vả, nhưng có những giá trị bền vững không dễ tan biến.

“Em chưa bước sâu vào nghề, nhưng nhìn vào những người thầy cô mình luôn dành sự ngưỡng mộ, quý trọng, em thấy được giá trị tốt đẹp, tuyệt vời của tình cảm học trò”, Nguyệt bày tỏ.

Tốt nghiệp đại học không lâu, Nguyệt đã sớm tìm được cơ hội phù hợp với ngành nghề của mình: giáo viên tập sự trường cũ - THPT Chu Văn An. Nhìn học sinh cấp 3, Nguyệt luôn nghĩ về mình ở 5, 6 năm trước.

Cô bí thư chi đoàn CLCK62 khoa Ngữ văn tâm sự: “Đó là độ tuổi hồn nhiên nhưng cũng nhiều u buồn, đặc biệt là không thiếu các trải nghiệm và kỉ niệm tươi đẹp, sâu sắc.

Giờ là một cô giáo, em không chỉ là người dạy, còn được học rất nhiều từ học sinh của mình - những người đang ở thời điểm tràn đầy nhiệt huyết và sáng tạo trong tư duy, đặc biệt là khả năng tiếp cận, thích ứng với cái mới”.

Theo Nguyệt, bản thân việc dạy học không chỉ là truyền tri thức, mà đúng hơn là sự trao đổi giữa cô và trò, mà trao đổi thì bao giờ cũng sẽ có sự cho đi và nhận lại.

Nguyễn Thanh Nguyệt (trái) - nữ thủ khoa xuất sắc ĐH Sư phạm Hà Nội, rạng ngời trong ngày tốt nghiệp.

Nguyễn Thanh Nguyệt (trái) - nữ thủ khoa xuất sắc ĐH Sư phạm Hà Nội, rạng ngời trong ngày tốt nghiệp.

Dũng cảm làm cái gì đó, sống như là tuổi trẻ

Trong những năm đại học, Nguyệt không chỉ luôn giữ được kết quả học tập tốt, còn tích cực tham gia các hoạt động trong trường. Nguyệt vừa đóng góp công sức cho nhiều CLB, vừa đảm nhiệm vị trí Bí thư lớp Tài năng và Phó Bí thư Liên chi.

Với Nguyệt, quá trình đó không chỉ để cống hiến, mà còn là cơ hội để tìm cho mình các giá trị, bài học đáng quý. Khi còn trẻ, con người dám làm nhiều thứ hơn và cũng có tự do để làm những điều mình muốn hơn. Tuổi trẻ rất đẹp, mà cái đẹp ấy thì rất khó quay lại lần nữa trong đời.

“Với những việc chưa làm tốt, em sẽ nhận ra giới hạn của bản thân, để biết được khả năng chính mình. Em cũng được gặp gỡ, được giao lưu, được học hỏi từ bạn bè, các anh chị đi trước. Và hơn hết là em có cảm giác được sống hết mình, được cố gắng, dũng cảm làm cái gì đó, như là tuổi trẻ sôi nổi, rực lửa”, cô cho biết.

Sự kiện để lại nhiều kỉ niệm cho Nguyệt là kì thi Nghiệp vụ Sư phạm cấp trường. Khoa Ngữ văn có đông sinh viên nhất nên các hoạt động diễn ra thường có quy mô lớn, thường xuyên và liên tục. Cả tuần lễ liền gần như hôm nào nhóm Nguyệt cũng ở lại trường tới khuya, ăn bánh mì, bàn bạc ý tưởng cùng nhau.

Với Nguyệt, việc tham gia các hoạt động xã hội không chỉ để cống hiến, mà còn là cơ hội để tìm cho mình các giá trị, bài học đáng quý...

Với Nguyệt, việc tham gia các hoạt động xã hội không chỉ để cống hiến, mà còn là cơ hội để tìm cho mình các giá trị, bài học đáng quý...

“Trông thì rất vui vẻ, nhưng lúc đó em biết ai cũng căng thẳng, lo lắng, nhưng lại không dám nói ra vì sợ cả đội áp lực. Nhưng em là đội trưởng, em biết hết. Có những lúc đang đêm các bạn không ngủ được, nhắn tin là “Mình lo quá”, hay một số anh/chị lo lắng tới mức viết cả một email dài để động viên, dặn dò chúng em”, Nguyệt nhớ lại.

Khi đó, Nguyệt lại vực tinh thần của các bạn bằng chính năng lượng và động lực của mình. Đối với Nguyệt, kỉ niệm không có gì đặc biệt, nhưng lúc nào cô cũng nhớ, vì ở thời điểm khó khăn nhất của sinh viên, luôn có người đồng hành với mình, không ngại khó, không ngại khổ. Nguyệt cho rằng đó là những điều mà chỉ ở thời sinh viên mới có được.

Xuất sắc trong học tập và nổi trội ở các hoạt động ngoại khóa, cách để Nguyệt cân bằng, đạt được điều đó là khả năng quản lý thời gian. Đối với việc học, Nguyệt luôn tìm được điều mình thích, quan tâm, từ đó liên hệ thực tế và đọc thêm tài liệu, chứ không “cày cuốc” ngày đêm.

Về hoạt động ngoại khóa, Nguyệt thường không “ôm đồm” mọi thứ một mình, mà chia sẻ và kêu gọi sự hỗ trợ từ thầy cô, bạn bè. Và với Nguyệt, điều này giúp cô cảm thấy việc mình làm là niềm vui, là sự nhẹ nhõm nên hoàn thành công việc được tốt hơn.

Hoài Thư

(ảnh NVCC)

Tag :nữ thủ khoa, thủ khoa tốt nghiệp, Bí thư chi đoàn, sinh viên 5 tốt, tình yêu đặc biệt, giáo viên dạy văn, nguyễn thanh nguyệt

Giao tiếp tiếng Anh hiệu quả 99% với phương pháp đa giác quan

Phương pháp Đa giác quan là gì?

Phương pháp Đa giác quan lần đầu tiên được phát minh bởi Tiến sĩ Robert C. Titzer – Chuyên gia về vấn đề nhân học và nghiên cứu tâm lý của trẻ tại California, Mỹ. Theo đó, Đa giác quan được định nghĩa là phương pháp giáo dục thông qua việc sử dụng nhiều giác quan cùng lúc. Ví dụ trong trường hợp đọc, cho nhìn hình ảnh thể hiện nghĩa của từ và nghe âm của từ, sau đó hoạt động theo nghĩa của từ đó sẽ giúp người nghe vận dụng cả thính giác, thị giác và xúc giác.

Hiệu quả của Phương pháp Đa giác quan

Ở phương pháp này, người học có thể vận dụng đồng thời các giác quan trong cùng một thời điểm. Chính điều này cũng sẽ khắc phục sự tập trung, giúp người học yêu thích hơn với việc học và học một cách tự nhiên, không “sách vở” và không có tâm lý áp lực. Với phương pháp Đa giác quan, người học sẽ ghi nhớ từ vựng và cách phát âm một cách nhanh chóng. Đồng thời, việc kết hợp toàn bộ giác quan giúp loại bỏ sự nhàm chán, sáo rỗng, tạo nguồn hứng thú vô tận, kích thích người học hưng phấn và hăng say học tập

i DEAL English – tiếng Anh lý tưởng cho người lớn ứng dụng phương pháp Đa giác quan

iDEAL English là chương trình tiếng Anh giao tiếp lý tưởng được thiết kế đặc biệt dành riêng cho người lớn. Chương trình được bên soạn bởi một đội ngũ chuyên gia học thuật hàng đầu với hơn 15 năm kinh nghiệm giảng dạy và quản lý giáo dục. iDEAL English ra đời dựa trên nền tảng giúp người học có khả năng giao tiếp với tốc độ nhanh, nhạy, phản xạ tốt trong thời gian ngắn so với các khóa học hiện hành. Khóa học ứng dụng chủ yếu phương pháp Đa giác quan Total Physical Response – TPR, giúp người học tiếp nhận ngôn ngữ một cách tự nhiên theo phản xạ và cố gắng tái tạo quá trình học tiếng mẹ đẻ bằng cách vận dụng đa giác quan của cơ thể để phản ứng lại các mệnh lệnh của giáo viên the một tầng suất nhất định.

Bên cạnh đó, iDEAL English còn có 4 phương pháp độc quyền chuyên sâu như: Pathology: Cá nhân hoá việc học, tìm điểm mạnh và yếu của từng học viên để khắc phục và phát triển; Experiential Learning: Học tập qua trải nghiệm, học ngôn ngữ trước hiểu nghĩa sau; Elicitation: phương pháp liên tưởng, tiếp nhận và xử lý thông tin bằng tiếng Anh; Anagram: phương pháp đảo chữ - giúp người học xây dựng và phát triển kho từ vựng cá nhân phong phú. Vd: DORMITORY => DIRTY ROOM. Với iDEAL English cam kết mang lại 100% hài lòng cho người học, đạt hiệu quả tối ưu và tiết kiệm 30% thời gian học so với các chương trình thông thường.

Tưng bừng khai giảng khóa học, Adam Khoo Learning Centre tặng học bổng 2 triệu đồng cho học viên đăng ký khóa iDEAL English trước ngày 15.09. Tìm hiểu thêm tại đây.

Liên hệ Hotline: 0936 349 234

ADAM KHOO LEARNING CENTRE VIET NAM

Địa chỉ: 22 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Đa Kao, Quận 1, Hồ Chí Minh

Email: hcmc@aklc.com

Tel: (84) 8 3911 0066 | Fax: (84) 8 3911 9055 |

Tag :giao tiếp tiếng Anh, phương pháp giáo dục, trí thông minh, tiếng Anh giao tiếp, đa giác quan

Phương án thi 2017: Đề xuất của giáo viên về bài thi tự chọn, xét tuyển

Là một giáo viên đang giảng dạy tại một trường THPT, yêu nghề, có trách nhiệm cao với sự nghiệp giáo dục và thường xuyên theo dõi những thay đổi của Bộ GD&ĐT trong vấn đề thi cử, tuyển sinh vào các cấp học, đại học,cao đẳng những năm qua.

Tôi xin được nêu ra một số góp ý mang tính xây dựng để dự thảo chương trình thi THPT Quốc Gia năm 2017 và các năm tiếp theo sẽ chạm được ý nguyện của không chỉ học sinh, giáo viên và sự đồng thuận của xã hội.

Trước hết tôi thật sự ủng hộ và đánh giá cao công tác đổi mới thi TN và tuyển sinh đại học, cao đẳng mà ta gọi là kỳ thi hai trong một (Kỳ thi THPT Quốc Gia) của Bộ GD& ĐT triển khai hai năm vừa qua mặc dù bước đầu còn một số hạn chế, tuy nhiên Bộ đã khắc phục được trong năm vừa qua.

Một kỳ thi đạt được hai mục đích được đánh giá là giảm chi phí đáng kể cho thí sinh và nhân dân.Loại bỏ được các trung tâm luyện thi và đảm bảo tính công bằng và thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia dự thi.

Trong dự thảo phương án thi năm 2017 vừa mới được Bộ công bố chính thức, tôi đa số tán thành các quan điểm của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên tôi mạnh dạn nói ra những suy nghĩ, những ý kiến góp ý mà tôi thiết nghĩ nó sẽ một phần giảm bớt áp lực cho người học, đồng thời cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các trường ĐH,CĐ trong vấn đề tuyển sinh.

Đó là chọn được những học sinh có đủ khả năng và trình độ theo học chuyên sâu đáp ứng nhu cầu học tập và đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước sau này bởi tôi thấy ngay khi có dự thảo phương án thi THPT Quốc Gia đã có nhiều ý kiến về việc các trường ĐH, CĐ sẽ khó mà tuyển chọn được những học sinh có đủ năng lực như các trường mong muốn.

Nếu cứ thế các trường lại tự tổ chức thi theo phương án riêng của các trường thì lúc đó kỳ thi THPT QG với hai mục đích lại giảm tính thiết thực và không đạt được mục tiêu mà ngành giáo dục đề ra.Tôi tán thành hầu hết các phương án thi trong dự thảo, tuy nhiên tôi xin góp ý một vài ý sau:

Thứ nhất: Tôi tán thành việc thi 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ bắt buộc.

Bài thi tự chọn: Tôi đề xuất vẫn có ba môn: Lí, Hóa, Sinh trong cũng một bài thi gọi là bài thi KHTN.

Nhưng nếu thí sinh có nguyện vọng vào các trường có khối A(Toán, lí, hóa) thì làm hai phần (lí ,hóa) : Mỗi môn có 25 câu trắc nghiệm, như vậy hai môn 50 câu trắc nghiệm là 10 điểm. Cũng như thế, nếu em nào có nguyện vọng vào các trường khối B(Toán, hóa, sinh) thì làm hai phần (hóa, sinh).

Đề thi cho bài thi này là 75 câu cho 3 môn (Lí, Hóa, Sinh). Nếu em nào có nguyện vọng khối A làm 50 câu (lí,hóa), em nào có nguyện vọng khối B làm 50 câu (hóa, sinh). Nếu em nào có nguyện vọng cả 2 khối A,B thì làm cả bài 75 câu.

Nếu em nào có chỉ có nguyện vọng làm để xét TN thì tự chọn: Một là hai môn lí, hóa, hai là hai môn hóa, sinh.(Phần mềm sẽ giúp ta chấm điểm và lọc điểm theo khối).

Hơn nữa với 25 câu trắc nghiệm cho mỗi môn, đề thi sẽ dễ đáp ứng được các mức độ từ cơ bản đến nâng cao của miền kiến thức trong một một học, đáp ứng được nguyện vọng tuyển chọn học sinh cho các trường ĐH, CĐ. Hơn nữa thang điểm cho số câu 25, 50 là số chẵn.

Xét tuyển vào đại học: Khối A: Điểm bài thi môn Toán, bài thi KHTN (lí, hóa) +Ngoại ngữ (môn điều kiện, hs phải đạt 5 điểm/hoặc chứng chỉ tương đương- trong xu thế hội nhập,mục tiêu giáo dục đặt ra là tiến tới Tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ thứ 2 được sử dụng tại Việt Nam ngoài tiếng Việt).

Tương tự như vậy đối với bài thi KHXH, ta chia như sau: Nếu thí sinh có nguyện vọng xét tuyển khối C, làm bắt buộc 2 phần(sử, địa). Nếu em nào thi chỉ để lấy kết quả TN thì chọn: Một là (sử+GDCD), hai là (Địa +GDCD). Tôi thiết nghĩ với phương án nêu trên sẽ góp phần giảm bớt áp lực thi cử cho các em mà vẫn phát huy được các khối thi truyền thống.

Thứ 2: Bài thi môn Ngoại ngữ nên để 50 câu trắc nghiệm (60 phút) thì mức độ phân hóa học sinh dễ hơn, đề ra đạt được nhiều mức độ để phân loại học sinh. Vì trước kia đề thi 80 câu trắc nghiệm cũng chỉ có 90 phút. Hay hai năm vừa qua, đề thi ngoại ngữ 64 câu trắc nghiệm, 5 câu tự luận và 1 đoạn văn cũng chỉ có 90 phút.

Nhà giáo Tâm Văn

Mọi ý kiến đóng góp về giáo dục trên báo Dân trí, xin gửi về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn, Xin trân trọng cám ơn!

Tag :giảm bớt áp lực, sự nghiệp giáo dục, đổi mới thi, tuyển sinh đại học, kỳ thi THPT quốc gia, trung tâm luyện thi, ngành giáo dục, Xu thế hội nhập

“Không quá quan tâm tới TT30 sửa đổi vì con học ra sao, tôi tự biết”

TT30 áp dụng được 2 năm, nay đang sửa đổi để hoàn thiện giúp giáo viên "nhẹ gánh" trong việc ghi chép sổ liên lạc, nhận xét hàng ngày, hàng tháng vào vở cho học sinh đồng thời cổ vũ cho tinh thần học tập của các em cấp tiểu học.

Cái được của thông tư này là khiến học sinh hào hứng với trường lớp vì cuối năm, em nào cũng đạt giấy khen, cũng có quà tặng từ nhà trường (trừ rất ít em cá biệt vì quá dốt, quá chậm) và các em không phải sợ sệt nghe bố mẹ trách mắng cái tội " chỉ việc ăn học mà không được giấy khen". Bố mẹ sẽ tạm quên đi câu cửa miệng khi con vừa đi học về "hôm nay con được mấy điểm?" Các em được tận hưởng niềm vui cắp sách đến trường, làm quen sách vở, tìm hiểu kiến thức mà không phải lo sợ vì điểm kém. Nhưng liệu niềm vui của các em có trọn vẹn không, khi giáo dục nhà trường đang đổi mới theo hướng nhân văn và tích cực còn bố mẹ các em vẫn còn nguyên tư duy cũ?

Vấn đề con em chúng ta học ra sao cứ mỗi lần được nhắc tới bất cứ khi nào đều xảy ra tranh luận sôi nổi. Có chị nói với tôi rằng, con chị được giấy khen đấy nhưng mà học dốt kinh khủng, cứ đi học về là ú ớ không nhớ nổi cô giáo dặn gì, toàn phải chạy đi hỏi bạn học cạnh nhà. Bài tập làm qua quýt chỉ nhanh nhanh chóng chóng chạy đi chơi, môn toán cháu tính toàn sai, mẹ có ngồi cạnh nhẹ nhàng hướng dẫn mà con vẫn run cầm cập, nước mắt ngắn dài và chị kết luận là "em biết con em học kém lắm, chả hy vọng gì đâu chị à".

Những bà mẹ khác có con học khá hơn thì hay đùa nhau "trẻ thời này đi học, đứa nào chả có giấy khen". Giấy khen đại trà khiến trẻ con vui mừng chốc lát nhưng vẫn phải đối mặt với những lời mắng mỏ của bố mẹ.

Vì sao có chuyện này? Xin thưa là bây giờ phụ huynh ngoài việc đóng quỹ phụ huynh tại trường lớp còn phải đóng thêm các loại quỹ ở thôn xã, tổ dân phố, quỹ công đoàn - thanh niên ở cơ quan. Hết năm học, chuẩn bị đón Tết thiếu nhi 1/6 ở các nơi lại thông báo phụ huynh nộp bản phô tô giấy khen, giấy chứng nhận học sinh giỏi các cấp để đoàn thể tặng quà. Tôi không rõ các nơi khác thế nào chứ cơ quan tôi, con cái các nhà phải có giấy khen ghi "Hoàn thành xuất sắc" (tương đương với mức học sinh giỏi ngày trước) thì mới được công đoàn cơ quan trao phần thưởng chứ giấy khen mà ghi "Hoàn thành" hoặc "Có thành tích trong môn tiếng Anh, môn vẽ" thì không có giá trị. Vậy mới có chuyện, hồi thông tư mới ra, phụ huynh phải gọi điện hỏi cô giáo xem giấy khen ghi thế này thì quy đổi thành giỏi hay tiên tiến để còn nộp đi chờ lĩnh thưởng cho con.

Một năm có mấy buổi họp phụ huynh, lần nào tôi cũng cố gắng sắp xếp công việc đi họp đầy đủ cho con. Đi họp nghe các anh, các chị kể chuyện mới rõ là phụ huynh giờ cũng đôn đáo với việc học hành của các con lắm. Chị hàng xóm cạnh nhà hơi sững người khi con có mặt trong nhóm "Hoàn thành xuất sắc" vì chị bảo con chữ xấu, nói ngọng nói lắp và hay nghịch ngợm. Cô giáo thì bảo trong quá trình cả năm học con chị có kém môn này môn kia nhưng đến kì thi làm bài tốt!

Nhiều phụ huynh bận rộn có khi cả tuần, cả tháng không ngó đến sách vở của con nên mặc cho cô nhận xét suốt ngày vào vở, họ cũng chả rõ con học ra sao. Nhiều anh chị nói kiến thức con học giờ khác xa thời bố mẹ, dạy chúng nó lại phải mất công sức nghiên cứu bài vở, không có thời gian nên mặc kệ con học được đến đâu thì học. Thế nhưng họ vẫn cứ đòi hỏi con mình phải có thành tích cuối năm để có cái khoe với mọi người.

Thiết nghĩ, giáo dục có thay đổi đến đâu cũng khó lòng đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng, mong muốn của tất cả phụ huynh. Tôi tin rằng nếu phụ huynh chúng ta yêu thương con, quan tâm thực sự và muốn con tiến bộ cũng không có gì quá khó. Con tôi nghịch ngợm, hiếu động, nhanh mà ẩu, học hành không tập trung, cháu ham chơi như bất cứ đứa trẻ nào mới đi học nhưng khi rèn con vào khuôn khổ đòi hỏi bố mẹ phải kiên trì, nhẫn nại và phải chấp nhận rằng, con không thể khá ngay được. Con học và tiếp thu bài vở được mức nào chỉ cần bố mẹ tinh ý một chút, năng kiểm tra con tại nhà là có thể nắm rõ và hướng dẫn, kèm con tại nhà.

Tôi không quá quan tâm tới sự thay đổi của TT30. Tôi vẫn dõi theo quá trình học tập của con, cái gì mình biết thì mình hướng dẫn con và nắm rõ lực học của con, theo sát con từng tuần học. Có thể cả tuần con đi học mình bận không ngó tới sách vở của con nhưng nhất định là ngày cuối tuần, tôi rà soát hết sách vở của con, kèm con bài toán, bài tập làm văn khó. Kịp thời kèm cặp khi con yếu kém nên đến kì thi cuối kì, hai mẹ con học cùng nhau không còn vất vả như nhiều gia đình khác. Khi con tiến bộ, tôi động viên con bằng nhiều cách khác nhau, có khi đơn giản là rủ con đi ăn sáng món mà con thích. Con tôi lực học bình thường nên tôi không bao giờ đặt mục tiêu con phải lọt vào nhóm bạn đứng đầu lớp mà chỉ cần con cố gắng hoàn thành hết bài vở cô giao, lúc thi làm bài cẩn thận còn điểm đạt ra sao, hai mẹ con đều vui mừng.

Mỹ Đức

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!