Giáo viên sợ họp phụ huynh
Đầu năm, các khoản tiền trường là vấn đề trọng tâm nhất ở hầu hết các buổi họp phụ huynh. Những nội dung về tương tác thầy trò, kết nối phụ huynh - giáo viên trong dạy trẻ được trao đổi qua loa, ngắn gọn để “nhường sân” cho vấn đề tài chính.
Đâu chỉ bố mẹ mới “ngán” những giờ họp phụ huynh mà toàn nói chuyện tiền. Đối tượng khổ sở không kém chính là giáo viên khi họ phải thay mặt nhà trường đứng ra từ thông báo, giải thích về các khoản thu trước ánh mắt ái ngại, nặng nề của phụ huynh.
Cô L.Ng.M., giáo viên bậc THPT ở quận 2, TPHCM cho hay, trước ngày họp phụ huynh thì giáo viên chủ nhiệm các lớp được nhà trường thông tin và phổ biến về các khoản thu. Nên muốn hay không thì buổi họp phụ huynh đã được “lập trình” là để thông báo tiền trường.
Cô M. nói dù đã quen nhưng cô thật sự đau lòng khi người thầy mà phải đứng ra thông báo, giải thích về các khoản thu với phụ huynh. Phụ huynh sợ họp phụ huynh thì giáo viên cũng chẳng không thiết tha gì.
Trước buổi họp, cô M. thường đến sớm hơn để ghi các khoản thu sẵn lên bảng. Phụ huynh bước vào phòng họp là thấy ngay cái bảng ghi chi chít là tiền thu. Cô M. bộc bạch: “Tôi ghi trước vì tôi không muốn phụ huynh ngồi ở dưới nhìn mình đi phát giấy thông báo họ nhìn tôi ghi từng khoản thu lên bảng. Tôi dạy học chứ không phải đứng lớp để ghi tiền, thu tiền”.
Biết vậy nhưng quy định chung của nhà trường, cô M. và các đồng nghiệp dẫu chẳng ai muốn nhưng đâu thể khước từ. Bao nhiêu điều tiếng không đẹp về buổi họp phụ huynh “đổ” hết xuống đầu giáo viên.
Tuy nhiên, họp phụ huynh chỉ mới là phần “mở màn” của việc giáo viên phải dây dưa đến chuyện tiền trường. Ngay cả việc thu tiền hay “đòi nợ” phụ huynh đóng tiền trễ ở nhiều trường cũng khoán luôn cho giáo viên. Có nơi còn đưa vào thi đua xếp loại.
Phụ huynh “trốn” giáo viên
Các khoản thu ở trường học giao cho giáo viên đứng ra thu chi, hối thúc phụ huynh gây ra hình ảnh hết sức phản cảm về nhà giáo trong mắt học sinh và phụ huynh.
Nhiều giáo viên lên lớp nhưng trong cặp sách là phiếu thu các khoản thu chi. Có khi, trước giờ học để thầy trò thăng hoa với tri thức hay giờ sinh hoạt lớp là lúc cô trò trao đổi, tâm tư có cũng có thể bị chen vào chuyện tiền bạc.
Thầy Trần Thanh H., một giáo viên THCS ở TPHCM cho hay, thầy cô còn ngại hỏi học sinh, phụ huynh chứ lãnh đạo nhà trường thì “thúc” giáo viên như đòi nợ khi lớp có học sinh nào chậm đóng tiền. Lớp đông em đóng muộn, không phải thầy cô nào cũng có thời gian để mà hỏi riêng các em cho tế nhị nên có khi phải thông báo trước lớp. Thầy cô thì ê chề, trò thì xấu hổ, khổ đôi đường.
Thầy H. kể, có lần có em học sinh trong lớp có nhiều thay đổi bất thường nên thầy phải liên lạc với gia đình để trao đổi thêm. Nhưng gọi điện bao nhiêu lần phụ huynh không nghe máy, thầy đến tận nhà thì phụ huynh tránh mặt đến lần thứ 4 mới gặp được. Hỏi ra mới hay, phụ huynh “trốn” thầy vì sợ thầy hỏi tiền trường.
Một giáo viên tiểu học ở quận 4, TPHCM cũng tâm sự, cô đã gặp vô số tình huống đau lòng liên quan đến chuyện tiền bạc trong trường học. Chuyện phụ huynh gọi điện nhắc: “Cô ơi, sáng nay tôi đưa tiền cho cháu rồi, cô thu đi nha” cô gặp thường xuyên. Rồi phụ huynh tránh mặt giáo viên vì sợ bị đòi tiền cũng không ít.
“Giáo viên như là chủ nợ của phụ huynh vậy nhưng lại là “con nợ” của nhà trường. Lớp nào học sinh đóng tiền muộn, mới đầu thì kế toàn, ban giám hiệu còn “nhờ” giáo viên nhưng sau thì chính giáo viên bị đòi, bị nhắc nhở”, cô tâm tư.
Cô giáo này tâm tư thêm, một đồng nghiệp của mình gặp trường hợp em học trò đột nhiên nghỉ học. Đến nhà nói chuyện, em học trò bật khóc nói: “Em sợ đi học bị cô đòi tiền”. Sau đó, cô giáo này nghỉ việc. Cô nói mình không thể chịu đựng thêm được nữa cảnh làm tổn thương học trò và tổn thương nghề giáo.
Việc giáo viên phải “ôm” thêm những việc nhạy cảm và phức tạp ngoài chuyên môn ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh người thầy. Nói như thầy Trần Thanh H., quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh là để cùng giáo dục con trẻ thì đang “nặng” mùi tiền. Họp hành cũng thông báo tiền, quanh năm gọi điện hỏi han học sinh cũng để… nhắc tiền. Phản cảm và tội nghiệp vô cùng cho nhà giáo!
Không chỉ làm hình ảnh, uy tín của người thầy méo mó mà việc giáo viên phải đứng ra thu tiền và hỏi tiền học sinh đủ làm cho người thầy rầu lòng, ưu tư về công việc, nghề nghiệp của mình.
Hoài Nam
(Hoainam@dantri.com.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét