Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

GS Ngô Bảo Châu: Một số nước có xu thế thi trắc nghiệm Toán

Sáng ngày 11/9, GS Ngô Bảo Châu và TS Nguyễn Đức Thành đã có buổi trò chuyện xoay quanh cuốn sách "Tình yêu và toán học" của Edward Frenkel mà GS Ngô Bảo Châu trực tiếp viết lời giới thiệu.

Mỹ đã thi trắc nghiệm Toán

Cùng với câu hỏi về sách và văn hóa đọc sách, GS Ngô Bảo Châu cũng chia sẻ về tình yêu với Toán học. Một độc giả trẻ đặt câu hỏi: “Hồi cấp 2, GS có học cực giỏi Toán không? GS có bí quyết học Toán như thế nào?”, GS Châu dí dỏm cho biết, ông giỏi hay không tùy lúc.

GS Ngô Bảo Châu và TS Nguyễn Đức Thành tại buổi nói chuyện (ảnh: Mỹ Hà)
GS Ngô Bảo Châu và TS Nguyễn Đức Thành tại buổi nói chuyện (ảnh: Mỹ Hà)

Vào năm lớp 6 tôi không được giỏi lắm. Trước đó, tôi học trường thực nghiệm và bố mẹ muốn đưa tôi ra học trường khác. Thú thực, lúc đó tôi học hơi đặc biệt, biết mỗi thứ một ít và tự tin, vui vẻ, khám phá. Khi lên cấp hai, tôi thi vào chuyên Toán thì bị trượt.

Tôi không biết mình có giỏi hay không nhưng lúc nào tôi cũng cực kì “máu”. Và càng học càng cảm thấy mình kém, càng học càng thấy... sướng. Tôi còn nhớ lúc học lớp 6, ngoài việc đi học thêm, tôi có vài quyển sách. Lúc đầu không làm được bài nào cả, tôi ức ghê lắm. Một bài toán trông rất đơn giản nhưng một tiếng cũng giải không được, hai tiếng cũng không được. Đến lúc nản quá, phải len lén mở trang cuối xem lời giải thế nào”, GS Châu nhớ lại.

GS Ngô Bảo Châu cũng chia sẻ thêm, cứ mỗi lần ấm ức vì không giải được, giúp ông có thể học giỏi hơn. Ông nhớ có lần một người bạn cho 3 cuốn sách. Cuốn đầu tiên là Định lý hình học và các biện pháp chứng minh”, ông phải "chiến đấu" đến 6 tháng trời. Mỗi lần cố làm không được, cậu bé lại lén xem lời giải như kiểu lén “quay cóp”. Cứ như thế trong vòng 6 tháng trời mới xong.

GS Ngô Bảo Châu kí sách tặng người hâm mộ (ản Mỹ Hà)
GS Ngô Bảo Châu kí sách tặng người hâm mộ (ản Mỹ Hà)

Sau cuốn đó, hai cuốn còn lại là “Dựng hình”, được ông đọc trong vòng 2 tuần. Và cuốn cuối cùng thì trong 1 tuần là xong. “Như vậy, sau khi tự luyện một cách nghiêm túc, luôn cảm thấy mình dốt thật thì tôi mới tiến bộ được. Nhờ lúc nào cũng có sự nhiệt huyết như vậy nên lên lớp 7, lớp 8, tôi đã học tốt tất cả các môn, trong khi trước đó, vào năm lớp 6 và lớp 7 tôi đã rất vất vả”, GS Châu kể.

Trao đổi về câu hỏi: "Toán là một môn học tinh hoa và tinh hoa đó thể hiện qua các bài giải thông minh tinh tế. Tuy nhiên, Dự thảo thi 2017 vừa được Bộ GD&ĐT công bố cho thấy, dự kiến môn Toán sẽ thi trắc nghiệm. Quan điểm của ông về điều này ra sao?", GS Ngô Bảo Châu cho hay: "Tôi không dám phát biểu về điều này bởi tôi chưa nghiên cứu kĩ lắm.

Thực ra, từ xưa đến nay, việc thi Toán ở Việt Nam hoặc nhiều nước chủ yếu vẫn là thi viết, có tính toán, có một chút chứng minh dù không nhiều lắm.

Tuy nhiên, gần đây xu thế một số nước như Mỹ chẳng hạn, đã thi Toán bằng phương pháp trắc nghiệm. Cá nhân tôi, khi xem xét nếu thi trắc nghiệm thì thấy hơi dở. Vì thế tôi cần có những xem xét kĩ càng và thấu đáo hơn trước khi phát biểu về vấn đề này".

Chia sẻ riêng với PV Dân trí, GS Châu cũng cho biết, ông cần tìm hiểu thấu đáo hơn về vấn đề này. Đặc biệt, đã có nhiều ý kiến liên quan đến việc thi trắc nghiệm Toán nên ông không nói lại nữa.

Nhiều độc giả nhỏ tuổi chờ đợi được GS Châu kí tặng (ảnh Mỹ Hà)
Nhiều độc giả nhỏ tuổi chờ đợi được GS Châu kí tặng (ảnh Mỹ Hà)

"Khi tôi kém dễ thương nghĩa là đang thiếu Toán"

Cũng trong khuôn khổ buổi trò chuyện, hai diễn giả đã kể về niềm đam mê toán học, giới thiệu một số đầu sách về khoa học theo hướng mới, đặc biệt là “bộ tứ” triết học "Làm quen triết học qua biếm họa", "Làm quen kinh tế học qua biếm họa - Kinh tế vi mô", "Làm quen kinh tế học qua biếm họa - Kinh tế vĩ mô", "Làm quen thống kê qua biếm họa", cũng như phân tích tác dụng của nó với độc giả.

Buổi trò chuyện đã thu hút nhiều độc giả với đủ lứa tuổi tham gia. Theo GS Ngô Bảo Châu, nếu đọc hết cả 4 cuốn sách trên đây, chính là chương trình triết học của một sinh viên đại học, được biểu hiện qua hình thức truyện tranh. Tuy nhiên, cũng giống như công trình đoạt giải Fields của ông, để diễn giải ra sẽ rất khó vì nó chỉ như một mảnh ghép trong một tòa lâu đài. Chúng ta sẽ rất khó trình bày một mảnh ghép nếu không mô tả cả ngôi nhà đó.

GS Châu giữa vòng vây của người hâm mộ (ảnh: Mỹ Hà)
GS Châu giữa vòng vây của người hâm mộ (ảnh: Mỹ Hà)

Trả lời câu hỏi về văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay, GS Châu cho biết, mỗi lứa tuổi đọc một loại sách khác nhau. “Tôi không thích từ “định hướng” bởi đọc sách bổ ích không có nghĩa là đọc sách quá nhiều, phải đặt ra chỉ tiêu mỗi tuần bao nhiêu cuốn sách. Tôi nghĩ, đọc sách bổ ích là phù hợp với tâm tư, tâm trạng và trả lời được những câu hỏi mà người ta đang suy tư đến. Việc đọc không đơn thuần là thu nhập kiến thức mà phải trả lời được câu hỏi nội tại của bản thân mình”, GS chia sẻ.

Một độc giả đến từ miền Nam và là “fan” ruột của GS Ngô Bảo Châu đặt câu hỏi: “Liệu Toán học và tình yêu có liên quan đến nhau không, thưa GS?”.

GS Châu cho hay, trải qua 2.400 năm lịch sử, người ta cố tìm ra định nghĩa tình yêu nhưng không tìm được. Ông lý giải: “Tôi nghĩ, những biểu hiện thường thấy của tình yêu: Khi gặp thì vui và không gặp thì nhớ nhung cũng giống hệt với yêu Toán. Trong 2 tháng trở về Việt Nam, do công việc và bận bịu, tôi ít thời gian làm Toán nên cảm thấy nhớ Toán kinh khủng.

Tôi muốn chia sẻ với các bạn một điều, khi thấy tôi khó chịu hoặc kém dễ thương, nghĩa là lúc đó tôi đang thiếu Toán. Và nếu đẩy sự mong muốn này quá lên nữa thì tôi chỉ muốn... đánh nhau. Còn khi tôi đang làm toán, cảm giác thật dễ chịu như gặp một người yêu hoặc người bạn cũ”.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)

Tag :thi trắc nghiệm, GS Ngô Bảo Châu, buổi nói chuyện, Văn hóa đọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét