TT30 áp dụng được 2 năm, nay đang sửa đổi để hoàn thiện giúp giáo viên "nhẹ gánh" trong việc ghi chép sổ liên lạc, nhận xét hàng ngày, hàng tháng vào vở cho học sinh đồng thời cổ vũ cho tinh thần học tập của các em cấp tiểu học.
Cái được của thông tư này là khiến học sinh hào hứng với trường lớp vì cuối năm, em nào cũng đạt giấy khen, cũng có quà tặng từ nhà trường (trừ rất ít em cá biệt vì quá dốt, quá chậm) và các em không phải sợ sệt nghe bố mẹ trách mắng cái tội " chỉ việc ăn học mà không được giấy khen". Bố mẹ sẽ tạm quên đi câu cửa miệng khi con vừa đi học về "hôm nay con được mấy điểm?" Các em được tận hưởng niềm vui cắp sách đến trường, làm quen sách vở, tìm hiểu kiến thức mà không phải lo sợ vì điểm kém. Nhưng liệu niềm vui của các em có trọn vẹn không, khi giáo dục nhà trường đang đổi mới theo hướng nhân văn và tích cực còn bố mẹ các em vẫn còn nguyên tư duy cũ?
Vấn đề con em chúng ta học ra sao cứ mỗi lần được nhắc tới bất cứ khi nào đều xảy ra tranh luận sôi nổi. Có chị nói với tôi rằng, con chị được giấy khen đấy nhưng mà học dốt kinh khủng, cứ đi học về là ú ớ không nhớ nổi cô giáo dặn gì, toàn phải chạy đi hỏi bạn học cạnh nhà. Bài tập làm qua quýt chỉ nhanh nhanh chóng chóng chạy đi chơi, môn toán cháu tính toàn sai, mẹ có ngồi cạnh nhẹ nhàng hướng dẫn mà con vẫn run cầm cập, nước mắt ngắn dài và chị kết luận là "em biết con em học kém lắm, chả hy vọng gì đâu chị à".
Những bà mẹ khác có con học khá hơn thì hay đùa nhau "trẻ thời này đi học, đứa nào chả có giấy khen". Giấy khen đại trà khiến trẻ con vui mừng chốc lát nhưng vẫn phải đối mặt với những lời mắng mỏ của bố mẹ.
Vì sao có chuyện này? Xin thưa là bây giờ phụ huynh ngoài việc đóng quỹ phụ huynh tại trường lớp còn phải đóng thêm các loại quỹ ở thôn xã, tổ dân phố, quỹ công đoàn - thanh niên ở cơ quan. Hết năm học, chuẩn bị đón Tết thiếu nhi 1/6 ở các nơi lại thông báo phụ huynh nộp bản phô tô giấy khen, giấy chứng nhận học sinh giỏi các cấp để đoàn thể tặng quà. Tôi không rõ các nơi khác thế nào chứ cơ quan tôi, con cái các nhà phải có giấy khen ghi "Hoàn thành xuất sắc" (tương đương với mức học sinh giỏi ngày trước) thì mới được công đoàn cơ quan trao phần thưởng chứ giấy khen mà ghi "Hoàn thành" hoặc "Có thành tích trong môn tiếng Anh, môn vẽ" thì không có giá trị. Vậy mới có chuyện, hồi thông tư mới ra, phụ huynh phải gọi điện hỏi cô giáo xem giấy khen ghi thế này thì quy đổi thành giỏi hay tiên tiến để còn nộp đi chờ lĩnh thưởng cho con.
Một năm có mấy buổi họp phụ huynh, lần nào tôi cũng cố gắng sắp xếp công việc đi họp đầy đủ cho con. Đi họp nghe các anh, các chị kể chuyện mới rõ là phụ huynh giờ cũng đôn đáo với việc học hành của các con lắm. Chị hàng xóm cạnh nhà hơi sững người khi con có mặt trong nhóm "Hoàn thành xuất sắc" vì chị bảo con chữ xấu, nói ngọng nói lắp và hay nghịch ngợm. Cô giáo thì bảo trong quá trình cả năm học con chị có kém môn này môn kia nhưng đến kì thi làm bài tốt!
Nhiều phụ huynh bận rộn có khi cả tuần, cả tháng không ngó đến sách vở của con nên mặc cho cô nhận xét suốt ngày vào vở, họ cũng chả rõ con học ra sao. Nhiều anh chị nói kiến thức con học giờ khác xa thời bố mẹ, dạy chúng nó lại phải mất công sức nghiên cứu bài vở, không có thời gian nên mặc kệ con học được đến đâu thì học. Thế nhưng họ vẫn cứ đòi hỏi con mình phải có thành tích cuối năm để có cái khoe với mọi người.
Thiết nghĩ, giáo dục có thay đổi đến đâu cũng khó lòng đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng, mong muốn của tất cả phụ huynh. Tôi tin rằng nếu phụ huynh chúng ta yêu thương con, quan tâm thực sự và muốn con tiến bộ cũng không có gì quá khó. Con tôi nghịch ngợm, hiếu động, nhanh mà ẩu, học hành không tập trung, cháu ham chơi như bất cứ đứa trẻ nào mới đi học nhưng khi rèn con vào khuôn khổ đòi hỏi bố mẹ phải kiên trì, nhẫn nại và phải chấp nhận rằng, con không thể khá ngay được. Con học và tiếp thu bài vở được mức nào chỉ cần bố mẹ tinh ý một chút, năng kiểm tra con tại nhà là có thể nắm rõ và hướng dẫn, kèm con tại nhà.
Tôi không quá quan tâm tới sự thay đổi của TT30. Tôi vẫn dõi theo quá trình học tập của con, cái gì mình biết thì mình hướng dẫn con và nắm rõ lực học của con, theo sát con từng tuần học. Có thể cả tuần con đi học mình bận không ngó tới sách vở của con nhưng nhất định là ngày cuối tuần, tôi rà soát hết sách vở của con, kèm con bài toán, bài tập làm văn khó. Kịp thời kèm cặp khi con yếu kém nên đến kì thi cuối kì, hai mẹ con học cùng nhau không còn vất vả như nhiều gia đình khác. Khi con tiến bộ, tôi động viên con bằng nhiều cách khác nhau, có khi đơn giản là rủ con đi ăn sáng món mà con thích. Con tôi lực học bình thường nên tôi không bao giờ đặt mục tiêu con phải lọt vào nhóm bạn đứng đầu lớp mà chỉ cần con cố gắng hoàn thành hết bài vở cô giao, lúc thi làm bài cẩn thận còn điểm đạt ra sao, hai mẹ con đều vui mừng.
Mỹ Đức
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét